Bánh chưng đen của dân tộc Dao

Cứ đến dịp tết nguyên đán, rằm tháng 5 và rằm tháng 7, đồng bào dân tộc Dao ở Mộc Châu, thường làm loại bánh chưng đặc biệt để bày trang trọng trên mâm cúng gia tiên. Đó là “bánh chưng đen”, loại bánh được coi như linh hồn trong ngày lễ, ngày rằm truyền thống của đồng bào Dao.

 

Đồng bào dân tộc Dao ở tiểu khu Tà Loọng, thị trấn nông trường Mộc Châu gói bánh chưng đen.

 

Tên gọi được đặt theo đặc điểm nổi bật nhất của bánh, bởi ngoài hình dạng bên ngoài giống như bánh chưng thông thường thì loại bánh này có ruột màu xanh đen, không có nhân, kích thước của bánh chỉ bằng 1/3 bánh chưng loại thường. Bánh chưng đen bắt buộc phải gói bằng lá dong, bánh nhỏ chỉ vừa nắm tay trẻ con. Yếu tố làm nên sự đặc biệt của bánh chưng đen chính là màu sắc của ruột bánh và sự kỳ công trong cách làm bánh. Trong mỗi dịp tết, ngày rằm, số lượng bánh chưng đen được làm ra không nhiều, bởi cách làm cầu kỳ, nguyên liệu làm bánh không sẵn có. Thông thường, để có nguyên liệu làm bánh, đồng bào Dao phải có sự chuẩn bị, tính toán ngay từ vụ lúa của năm trước. Dù làm lúa nương hay lúa ruộng, gia đình nào cũng dành một khoảng đất để trồng loại lúa nếp ngon, đến khi thu hoạch thì dùng liềm cắt lúa và bó thành từng cum mang về treo gác gếp. Loại gạo nếp này sẽ được sử dụng làm bánh chưng đen, còn phần rơm khô được dùng để tạo màu cho bánh. Cách tạo màu cho bánh chưng đen khá phức tạp: Rơm của các cum lúa được đặt vào một chậu nhôm khô, sạch, đốt cháy thành tro. Khi tro rơm nguội hẳn thì đổ vào cối giã cùng gạo nếp đến khi gạo nát khoảng 30%, tro rơm lẫn hẳn vào gạo đem sàng lại cho sạch những phần tro không bám vào gạo. Lúc này, gạo nếp đã có lẫn màu đen của tro rơm, các bà, các chị bắt đầu dùng lá dong để gói thành bánh. Khi gói, dùng 2 lá chập vào nhau, múc 2/3 bát gạo đổ vào giữa lá, dùng tay giữ hai mép lá, cuộn lại, gấp hai đầu, rồi dùng lạt tre buộc vắt chéo đến hết thân bánh, buộc chặt để bánh khi chín có độ chắc và dẻo. Sau đó, đem bánh luộc lên trong một buổi sáng là bánh đủ chín.

Bánh chưng đen khi bóc ra có màu xanh đen, mùi thơm dịu đặc trưng của gạo nếp nương, của lá dong rừng, khi ăn có vị ngon, dẻo của gạo nếp, một chút vị mặn của tro rơm. Không giống như bánh chưng loại thường với đủ các loại nhân khác nhau, bánh chưng đen mang đến cho người thưởng thức những cảm nhận về sự giản dị, mộc mạc của núi rừng, đồng ruộng. Sự kết hợp giữa kết tinh của đất trời, sương gió ở hạt gạo nếp nương với sự bình dị, chân quê của tro rơm khiến mỗi người như được trở về với cội nguồn, biết trân quý những thành quả lao động của người nông dân làm ra hạt gạo. Cũng bởi ý nghĩa đó mà bánh chưng đen là lễ vật không thể thiếu trong mân cúng gia tiên của người Dao vào ngày tết nguyên đán, rằm tháng 5 và rằm tháng 7 hằng năm.

Những chiếc bánh chưng đen bày trên mâm cỗ thể hiện sự tôn trọng, biết ơn đối với những người đã khuất, là đạo lý uống nước nhớ nguồn của đồng bào dân tộc Dao. Đây cũng là nét văn hóa đẹp, đặc trưng của người Dao ở Mộc Châu được gìn giữ đến ngày hôm nay.

Thảo Nguyên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới