A Chu làm du lịch

Đến huyện Vân Hồ được nghe câu chuyện về chàng kỹ sư người Mông, Tráng A Chu làm du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, đã thôi thúc chúng tôi đến tận nơi để tìm hiểu khám phá và trải nghiệm mặc dù trời đã tối.

A Chu biểu diễn sáo Mông phục vụ du khách.

 

Trên con đường đầy hoa với những bóng điện nho nhỏ dọc đường đi được chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tạo nên ánh sáng mờ ảo đưa chúng tôi vào nhà của A Chu. Trong ngôi nhà sàn cách điệu khang trang giàu bản sắc, mái lợp gianh, với những vật dụng gần gũi với thiên nhiên, đã níu chân bao đoàn lữ khách, A Chu phấn khởi: Mình làm mô hình này được hơn 3 tháng, trung bình hàng tháng đón gần 200 khách đến thăm quan, lưu trú, trong đó có cả khách nước ngoài đấy, họ rất hài lòng. Chúng tôi hỏi tại sao một kỹ sư công nghệ thực phẩm lại quay trở về làm du lịch cộng đồng? A Chu chia sẻ: Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn phát huy truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nên mình đã ấp ủ ý tưởng này từ khi còn học đại học. Qua nghiên cứu, tìm hiểu mình thấy làm du lịch cộng đồng giúp du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Được sự hỗ trợ của Công ty CBT (công ty chuyên làm du lịch cộng đồng) tư vấn cho tôi về thiết kế, đào tạo nấu ăn, giới thiệu khách... tháng 8-2015, gia đình tôi bắt tay vào làm du lịch cộng đồng.

 

Câu chuyện của chúng tôi gián đoạn vì vợ chồng A Chu phải ra đón đoàn khách từ Hà Nội lên. Đoàn khách này rất đặc biệt, bởi trong đoàn có cô Đào Thị Út, nguyên là giáo viên chủ nhiệm khi A Chu học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tay bắt, mặt mừng, A Chu đưa cô giáo và đoàn khách dạo một vòng quanh bản. Giọng nói trầm ấm, rõ ràng, phong thái khoan thai nhìn A Chu chẳng khác một hướng dẫn viên du lịch thực thụ khi giới thiệu cho du khách một số nét truyền thống từ trang phục, phong tục đến kiến trúc, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông... làm mọi người thán phục.

 

Cô giáo Đào Thị Út cảm động nói: Ngày trước ở trường, A Chu là sinh viên chăm ngoan, hiếu học, để có tiền trang trải học tập, em phải làm thêm nhiều nghề từ trông xe, phục vụ quán cà phê... nhưng chưa nghỉ học bao giờ. Biết em mở dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với mục đích gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc mình và bước đầu đã có kết quả tốt, tôi rất tự hào về học trò của mình và tin rằng với nghị lực, khả năng của mình, A Chu sẽ thành công.

 

Sau khi thể hiện vài điệu khèn, A Chu mời khách vào mâm thưởng thức ẩm thực “cây nhà lá vườn ” với những trái bí đỏ được trồng xung quanh nhà, gà đồi, lợn “chạy bộ ”... qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông trở thành những món ăn đặc sản khiến du khách sau khi thưởng thức không thể nào quên. Anh Nguyễn Thế Nam, du khách đến từ  Hà Nội chia sẻ: Đến đây tôi có cảm giác rất khác biệt, không ồn ào, náo nhiệt như ở đô thị, được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, thoáng đãng; được tìm hiểu những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Đặc biệt, người dân nơi đây rất hiếu khách, chân tình và rất đầm ấm, chắc chắn tôi sẽ trở lại và thông tin cho nhiều bạn bè đến trải nghiệm.

 

Cuối cùng thì phần chờ đợi nhất của chương trình đã đến, đó là đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ giữa du khách và bà con trong bản. Những chàng trai, cô gái Mông xuất hiện trong những bộ trang phục truyền thống thể hiện những điệu múa đặc sắc, tiếng khèn bè ngân vang. Vợ chồng A Chu góp vui với điệu múa “Tình xuân trên núi ” vừa tình cảm, vừa say mê. Bên đống lửa bập bùng, du khách và bà con tay trong tay như không muốn rời, cái giá lạnh của ngày đông dường như bị xua tan bởi tình người nồng ấm. A Chu nói với tôi, anh mong muốn cả bản cùng tham gia làm du lịch để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, góp phần tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo...

 

Tâm huyết với việc phát triển quảng bá du lịch Vân Hồ, ông Vũ Văn Hải, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện nói: Mô hình du lịch cộng đồng của vợ chồng A Chu là mô hình điểm của huyện, mô hình này mặc dù mới hoạt động được hơn 3 tháng nay nhưng qua đánh giá đã đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ gia đình, mở ra hướng làm ăn mới không những cho gia đình anh mà còn cho người dân trong bản, trong xã.

 

Cần lắm những cách nghĩ, cách làm như Tráng A Chu để phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch của Vân Hồ, để trong tương lai không xa Vân Hồ sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên cung đường du lịch Tây Bắc và vùng du lịch quốc gia Mộc Châu.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới