Những làn điệu dân ca dân tộc Thái từ ngàn xưa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào. Những câu “khắp” như mạch nguồn cảm xúc, cất lên từ hiên nhà sàn, theo lời ru mẹ đưa nôi. Câu “khắp” như làn gió đưa trên nương, dưới ruộng, câu “khắp” vang vọng những cánh rừng, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ lớn lên... “Khắp” Thái đa dạng thể loại, cách diễn xướng phong phú, mỗi làn điệu trong “khắp” là một sắc thái khác nhau, diễn tả trọn vẹn về cuộc sống, tình cảm, về hiện tại và những ước mơ với ca từ thiết tha, sâu lắng, đi vào lòng người.
Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh biểu diễn tác phẩm mới lấy cảm hứng từ dân ca dân tộc Thái.
Theo thống kê, dân tộc Thái có hơn 10 làn điệu dân ca khác nhau, mỗi làn điệu được sử dụng trong những hoạt cảnh nhất định và đa dạng về cách thể hiện cũng như khác nhau về ca từ, tiết tấu. Dân ca của dân tộc Thái cũng bắt đầu với những bài đồng dao “khắp xư nọm căn” có vần điệu dễ nhớ. Các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái lại có những điệu hát riêng như: “khắp” mừng xuân, “khắp” mừng nhà mới, “khắp” mừng thọ, “khắp” mo bản, mo mường, hát mo tang lễ, “khắp” chá (hát trong hội Hết Chá). Nhưng phổ thông nhất trong “khắp” Thái là làn điệu “khắp” xư, thể loại này giống với ngâm thơ, vịnh thơ của dân tộc Kinh. Câu “khắp” được lấy nội dung từ những câu truyện thơ nổi tiếng của dân tộc kết hợp với vần điệu, luyến láy, tiết tấu tự do để mang cảm xúc vào mỗi câu hát.
“Khắp” xuất hiện thường xuyên và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Những câu “khắp” với nội dung lấy ý tưởng từ chính những điều giản dị, gần gũi, phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất, thói quen, tín ngưỡng, thể hiện tâm tư và tình cảm mà người hát muốn gửi gắm. Người ta có thể “khắp” ở bất cứ đâu, từ trong nhà đến ngoài đồng, khi vui, lúc buồn, “khắp” trong lễ hội, hay để tiễn đưa người đã khuất về với tổ tiên. Trong số các làn điệu hát Thái thì có lẽ hát giao duyên nam nữ (khắp báo xao), hát ru con (khắp ú lụ), “khắp” mừng xuân và “khắp” theo làn điệu vẫn được phổ biến hơn cả. Những điệu “khắp” quen thuộc bắt đầu bằng “ha ...ôi” có giai điệu mượt quà, trữ tình, bắt tai là chất liệu nghệ thuật đặc biệt mang đến nguồn cảm hứng vô tận để các nhạc sĩ đưa vào các tác phẩm âm nhạc được khán giả đón nhận.
Rất nhiều sáng tác nổi tiếng mang âm hưởng dân ca Thái được biết đến như những tác phẩm đại diện cho âm nhạc đậm chất dân tộc vùng Tây Bắc. Có những bài hát đã trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ mà cứ đến một dịp đặc biệt nào đó lại gợi nhắc tự trong lòng cất lên những ca từ dường như đã in sâu trong ký ức. Ví như, ngày tết trên những bản làng dân tộc Thái, lại vang lên câu ca “Xai panh noọng ơi, xai lả noọng a...” với thanh điệu trong sáng của nhạc phẩm “Đón xuân”, một sáng tác sống mãi với thời gian của cố nhạc sĩ Cầm Bích. Hay trong những ngày xuân, chẳng mấy ai lại không tự cất lên từ trong lòng mình lời hát “Pì nọng ơi! Xuân đã về với bản mường em, khắp đất trời tiếng ca rộn vang” (Về bản em đón xuân - nhạc sĩ Mạnh Cường) mà bước chân như rộn rã theo tiếng nhạc văng vẳng bên tai. Rồi những ngày hội vui, nhất định không thể thiếu “Điệu xòe thương nhau” (nhạc sĩ Vương Khon) với ca từ gần gũi, âm nhạc rộn ràng hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng nối rộng vòng xòe... Cùng rất nhiều những sáng tác của các thế hệ nhạc sĩ Sơn La đã và đang được yêu mến và phổ biến rộng rãi.
Ngày nay, ở các bản làng đồng bào dân tộc Thái, không còn nhiều người biết hát những làn điệu “khắp” Thái, nhưng tình yêu với những làn điệu dân ca dân tộc thì vẫn luôn vẹn nguyên với những ai sinh ra từ bản làng. Vậy nên, các sáng tác mới mang âm hưởng dân ca Thái luôn được đón nhận, yêu thích và được họ coi như niềm tự hào của dân tộc. Thông qua những tác phẩm âm nhạc đương đại, “khắp” Thái đang được tô lên màu sắc mới, dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên những giai điệu có sức sống bền vững với thời gian.
Thảo Nguyên
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!