Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, những nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh miền núi Hòa Bình đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống…
Từ những hạt nhân văn hóa truyền thống…
Tham dự Hội nghị gặp mặt cơ quan báo chí, đại biểu văn nghệ sĩ và nhà báo do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức mới đây, chúng tôi có dịp được gặp lại một gương mặt rất quen thuộc trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của “xứ Mường”: Nhà nghiên cứu, sưu tầm Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường. Vốn là người con của dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên trên quê hương Kim Bôi (Hòa Bình), gần 30 năm qua, ông Bùi Thanh Bình đã luôn gắn bó với âm thanh độc đáo của tiếng cồng, tiếng chiêng xứ Mường.
Để sưu tầm đủ bộ chiêng Mường, dấu chân ông Bình đã đi đến khắp vùng Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động, rồi đến cả Thanh Hóa, Sơn La… Nơi nào có chiêng cổ là nơi đó có bước chân nghệ nhân Bùi Thanh Bình tìm tới. Đến nay, ông Bình đã sưu tập được đủ 12 chiếc chiêng cổ mà với ông, chiếc nào cũng quý, cũng có ý nghĩa.
Cùng với đó, ông Bùi Thanh Bình còn thường xuyên tham gia các lớp hướng dẫn, bồi dưỡng cách sử dụng chiêng Mường cho người dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đến nay, đã có khoảng trên 600 lượt người được ông Bình hướng dẫn. Đây chính là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong gìn giữ nghệ thuật sử dụng chiêng Mường tại địa phương. “Mong mỏi lớn nhất của bản thân tôi đó là làm sao lan tỏa ngày càng sâu rộng tình yêu và nghệ thuật sử dụng chiêng Mường trong các dịp lễ hội truyền thống của người Mường”, ông Bùi Thanh Bình chia sẻ.
“Nghệ nhân của người Mường” đó là cách gọi trìu mến của người dân xã Hường Nhượng, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) dành cho Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng. Từ lâu. Nghệ nhân Bùi Huy Vọng được mọi người biết đến là một trong những cá nhân có rất nhiều cống hiến cho công tác tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình.
Với vai trò của một nghệ nhân ưu tú, một nhà nghiên cứu văn hóa, ông đã thực hiện cùng lúc nhiều công việc: Tham gia cùng các cơ quan chức năng sưu tầm, khảo cứu, phục dựng các di sản văn hóa Mường đặc sắc như Lễ hội đình Khênh, Lễ hội Đu Vôi...; tham gia thực hiện biên dịch trang tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử; tham gia nghiên cứu và viết sách về lịch Thẻ Tre và lịch Rùa của người Mường; Tục thờ cây Si, Tục thờ cúng tổ tiên và các vị thần bảo trợ tại nhà của người Mường… Có thể nói, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng là một trong số ít người đã dành tâm huyết, thời gian để nghiên cứu, sưu tầm, tổng hợp và góp sức bảo tồn những giá trị truyền thống độc đáo trong kho tàng văn hóa của cộng đồng dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Không chỉ vậy, ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy những kiến thức văn hóa dân tộc cho thế hệ đi sau. Ðến nay, có rất nhiều người, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ đã được Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng hướng dẫn, truyền dạy những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc Mường. Và có lẽ, một phần cũng nhờ những cống hiến thầm lặng, miệt mài của ông nên đến nay, nhiều phong tục, tập quán gắn với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường ở Hòa Bình vẫn được gìn giữ, phát triển.
Tìm hiểu được biết, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng, nhà nghiên cứu, sưu tầm Bùi Thanh Bình chỉ là hai trong số hàng chục nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh miền núi Hòa Bình. Ðội ngũ này hầu hết đều đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn miệt mài sưu tầm, nghiên cứu, với mong muốn gìn giữ vẹn nguyên hồn cốt tinh hoa văn hóa dân tộc mình và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em trên mảnh đất Hòa Bình.
… đến hiệu quả trong gìn giữ giá trị văn hóa của các dân tộc
Văn hóa truyền thống gắn liền với những giá trị độc đáo mang tính trường tồn, là cội nguồn sức mạnh nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Thực tế hoạt động gìn giữ, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống ở tỉnh Hòa Bình thời gian qua cho thấy, nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc là những người giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa đó tới thế hệ tiếp theo. Họ đã không chỉ đóng vai trò nòng cốt trong nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp những bài ca, điệu múa cổ… mà còn thường xuyên tham gia các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ tại địa phương; qua đó truyền dạy cho thế hệ trẻ; trực tiếp góp phần truyền bá, nhân rộng những tinh hoa văn hóa truyền thống đến các cộng đồng dân tộc. Theo thống kê, trong số các nghệ nhân của tỉnh Hòa Bình, hiện nay đã có 8 người được công nhận là danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình cũng đang trình lên Hội đồng cấp Nhà nước danh sách 11 nghệ nhân đủ số phiếu đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong năm 2018.
Với việc coi trọng và phát huy tốt vai trò của các nghệ nhân, người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc, nhìn chung đến nay các dân tộc ở Hòa Bình vẫn giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán của dân tộc mình. Các giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết cơ bản được bảo tồn; nhiều tri thức dân gian, trang phục còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn trong các cộng đồng dân cư. Điển hình là hàng loạt các giá trị văn hóa của dân tộc Mường như dân ca, nghệ thuật Chiêng, Mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước... vẫn lưu giữ và được đánh giá cao. Ngôi nhà sàn của người Mường tuy có mai một phần nào nhưng tại nhiều địa phương như Tân Lạc, Lạc Sơn…, bà con đang nỗ lực phục dựng lại những ngôi nhà sàn theo kiến trúc truyền thống. Cộng đồng người Tày vẫn giữ được bản sắc riêng, độc đáo như làn điệu dân ca, duy trì học chữ cổ trong cộng đồng... Người Dao vẫn giữ phong tục cấp sắc, Tết nhảy, học chữ truyền thống... Người Mông giữ được trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề rèn, ngôn ngữ và nhất là Tết cổ truyền của người Mông cùng với các lễ hội, âm nhạc - khèn Mông... Kết quả đáng mừng đó có được là nhờ những đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc.
Đặc biệt, thời gian gần đây Hòa Bình đã ghi nhận những tín hiệu đáng mừng với sự phát triển của hệ thống lễ hội truyền thống. Giá trị của chiếng Mường, Mo Mường và vai trò của các ông Mo đã ngày càng được nhân dân coi trọng, tôn vinh. Tại nhiều địa phương, đã xuất hiện các lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... thể hiện sự thay đổi tích cực trong ý thức của nhân dân về việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm cho biết: “Với tình yêu, niềm say mê dành cho các giá trị văn hóa truyền thống, lực lượng nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc đã thực sự là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong lưu giữ, bảo tồn, phát triển những nét đẹp văn hóa cổ truyền của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Không chỉ truyền dạy những nhịp chiêng điệu múa truyền thống, họ còn là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ trên hành trình giữ gìn, phát triển bản sắc riêng, độc đáo của các dân tộc trong tỉnh”.
Thực tế hiện nay, các nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn luôn tâm huyết, cố gắng gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể để trao truyền cho thế hệ mai sau hồn cốt của dân tộc. Việc được cơ quan chức năng đề nghị phong tặng những danh hiệu như nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân... sẽ tiếp thêm nhiệt huyết để họ tiếp tục nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa cho văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, hầu hết những người “giữ lửa” cho các loại hình văn hóa truyền thống này đều đã ở vào “tuổi xưa nay hiếm”, do vậy thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cùng các cơ quan chức năng cần sớm có chương trình, kế hoạch cụ thể tiếp tục phát huy vai trò của các nghệ nhân, người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc trong bảo tồn di sản văn hóa, góp phần để văn hóa truyền thống sống mãi trong các cộng đồng dân cư. Đó là “chìa khóa” trong giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của “xứ Mường” Hòa Bình./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!