Những năm qua, quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và chính quyền cơ sở chuyển biến theo hướng gần dân và phục vụ nhân dân, từng bước đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn còn những hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chưa thường xuyên; việc cụ thể hóa xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện dân chủ tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp còn hình thức, chưa rõ thời gian, nội dung. Sự phối hợp thực hiện giữa cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể với chính quyền ở một số nơi chưa đồng bộ; việc giải quyết các vấn đề phát sinh chưa kịp thời, thiếu dân chủ, thiếu trách nhiệm, gây bất bình trong nhân dân, viên chức, người lao động. Nhiều cán bộ, viên chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng chức vụ làm trái quy định đã phải xử lý kỷ luật.
Xác định việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện dân chủ gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Thi đua “dân vận khéo” thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Bám sát và triển khai hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, tập trung cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong cải cách hành chính. Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ trên cac lĩnh vực công tác ở cơ sở, trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Tập trung giải quyết kịp thời bức xúc, kiến nghị của nhân dân liên quan đến công tác cán bộ, đất đai, xây dựng, thuế, an ninh trật tự.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, tạo điều kiện để phát huy quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền cơ sở, các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân cho đội ngũ công chức, viên chức, xây dựng, kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh trong tác phong, lề lối làm việc; phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân
Mỗi cấp ủy, chính quyền, công chức, viên chức phải quán triệt phương châm: Nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin, vì hạnh phúc của nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân, xâm phạm quyền lợi và lợi ích chính đáng hợp pháp của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!