Cuộc sống mới bên dòng Đà giang

Quỳnh Nhai, một vùng đất cổ, miền đất nổi tiếng với nền văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Thái Trắng. Hơn một thập kỷ qua là giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, nhưng thể hiện quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳnh Nhai trong thực hiện di chuyển thành công hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng ngập để xây dựng thủy điện Sơn La.

 Bản Pom Sinh, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) bên lòng hồ sông Đà. 

Hôm nay, với sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, chung lòng của những hộ tái định cư, trên những vùng đất mới, họ vẫn tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế, làm giàu cho gia đình và xây dựng quê hương bản mường ngày càng phát triển.

 

Khơi dậy tiềm năng

Nhớ lại cách đây hơn 1 thập kỷ, thời kỳ di chuyển dân ra khỏi vùng ngập, với khối lượng công việc cao như núi, khó trăm bề... Huyện Quỳnh Nhai lúc đó đã phải tuyên truyền, vận động di chuyển 8.500 hộ dân, bằng hai phần ba số hộ dân của tỉnh Sơn La phải di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La. Trong đó, hơn 3.700 hộ chuyển đến các huyện trong tỉnh, số còn lại sắp xếp, tái định cư, xen ghép trong huyện. Cùng với đó, huyện còn phải thực hiện di chuyển toàn bộ khu vực hành chính cũ của huyện để xây dựng mới tại Phiêng Lanh. Đây là một khó khăn, thách thức, song là cơ hội lớn để huyện Quỳnh Nhai đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp lại lao động và dân cư, đặc biệt là được đầu tư xây dựng hạ tầng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, Quỳnh Nhai đã thực hiện hoàn thành nhiệm vụ mang tính lịch sử, di chuyển an toàn tuyệt đối, đúng tiến độ.

Hơn 10 năm trôi qua, cuộc sống của người dân TĐC bây giờ ra sao? Để tìm câu trả lời chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng đồng chí Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, đồng chí chia sẻ: Quỳnh Nhai vừa hoàn thành di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La thì nay tiếp tục “di chuyển” ra khỏi huyện nghèo. Huyện đã tập trung định hướng rõ mục tiêu theo hướng khai thác điều kiện tự nhiên, tiềm năng lợi thế để phát triển KT-XH. Trong đó, huyện đã xác định: các xã vùng dọc sông Đà gắn với lòng hồ thủy điện sẽ khai thác mặt nước, nuôi, đánh bắt thủy sản gắn phát triển du lịch lòng hồ và trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đối với 2 xã vùng cao Mường Giôn và Chiềng Khay tập trung vào chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng và bảo vệ rừng. Cùng với đó, huyện luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...

Với mục tiêu “đồng bào di chuyển đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”, Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳnh Nhai đã cụ thể hóa bằng những giải pháp cụ thể mang tính bền vững, lâu dài. Bởi tiền hỗ trợ cho dân bao nhiêu cũng dùng hết, phải có kế sách lâu dài, phải hỗ trợ cho người dân những chiếc “cần câu” thực sự hiệu quả. Để làm được việc này, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với phương châm “cầm tay, chỉ việc”, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quỳnh Nhai đồng hành cùng người dân trong công cuộc xóa đói nghèo. Chính vì lẽ đó, tận dụng lợi thế 10.000 ha lòng hồ khi tích nước, ngay từ năm 2010, huyện Quỳnh Nhai đã tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn của chương trình 30a hỗ trợ người dân thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng; vận động các hộ dân dọc sông nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 88 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020, đối với HTX thủy sản hỗ trợ 1 lần 5 triệu đồng/1 lồng cá trên vùng lòng hồ thủy điện đã giúp Quỳnh Nhai thúc đẩy các HTX mở rộng thêm lồng nuôi cá. Vì vậy, từ vài chục lồng cá ban đầu nuôi thí điểm, đến nay, toàn huyện có hơn 3.000 lồng cá (đảm bảo mật độ thả cá) tập trung tại 48 HTX thủy sản trên địa bàn huyện. Từ chỗ chỉ biết đánh bắt thuần túy, số lượng thủy sản ít, thì nay người dân trên vùng lòng hồ đã biết nuôi cá thương phẩm, làm giàu từ nghề cá.

Cùng với tận dụng lợi thế lòng hồ, Quỳnh Nhai còn tập trung hỗ trợ người dân TĐC phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật; trồng mới cây ăn quả chất lượng cao, ghép mắt, cải tạo vườn tạp và trồng cây trên đất dốc. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ 112 nghìn cây nhãn, xoài cho 4.620 hộ dân tái định cư trên địa bàn huyện. Hiện nay, tại các xã Chiềng Bằng, Chiềng Khay, Mường Giôn, Chiềng Khoang đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: cây bơ, bưởi da xanh, nhãn ghép..., riêng xã Chiềng Khoang đã có gần 50 ha cây ăn quả trên đất dốc. Cùng với giúp dân phát huy tiềm năng, huyện còn tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Tại địa bàn huyện, đã có Công ty cổ phần Cơ khí Sơn La đầu tư nhiều tỷ đồng để phát triển hạ tầng du lịch lòng hồ sông Đà thuộc địa phận xã Chiềng Ơn; Công ty cổ phần Dệt may Sơn La đầu tư dạy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm người dân tái định cư trong huyện. Hiện nay, Quỳnh Nhai là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với 3/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...

Tư duy mới, cách làm mới

Trên chiếc thuyền xuôi theo lòng hồ sông Đà mênh mông sóng nước, tôi được nghe kể về những người nông dân trước đây chỉ quen với việc làm nương rẫy nay đã trở thành những “triệu phú”, “tỷ phú” trên lòng hồ khiến chúng tôi thật sự ngưỡng mộ, cảm phục. Đến bản Co Trặm, xã Chiềng Bằng, chúng tôi tìm gặp ông Lò Văn Khặn, người thường được bà con gọi vui với biệt danh “Giám đốc chân đất”. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, ông Khặn cũng giống như hàng nghìn hộ di dân tái định cư khác, lúc đầu gặp không ít khó khăn bởi đất sản xuất ít mà gia đình thì chỉ quen làm ruộng, nương, nay sống giữa sóng nước mênh mông, cách ăn, ở, đi lại…đều phải thay đổi. Cơ hội đến khi năm 2010, ông Khặn tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và được hỗ trợ các điều kiện nuôi 1 lồng cá rộng 30 m2. Nhờ làm đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tỷ lệ cá sống cao, năng suất cá thu được 3 tạ/lồng, bán được hơn 30 triệu đồng. Cứ nuôi rồi rút kinh nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất, hiện nay, gia đình ông có tới 114 lồng nuôi nhiều giống cá khác nhau. Năm 2015, cơ hội lại đến với gia đình ông Khặn, khi gia đình được hỗ trợ 100 con vịt trời và máy ấp trứng, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vịt lớn rất nhanh. Vừa nuôi, vừa lấy trứng nhân giống, cuối năm đó, đàn vịt trời của gia đình ông lên tới trên 1.000 con. Hiện tại, ông luôn duy trì nuôi 3.000 con vịt thương phẩm và bán giống cho bà con trong vùng khoảng 5.000 con giống/năm. Riêng trong năm 2016, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ nuôi cá, nuôi vịt trời mỗi năm của gia đình ông Khặn thu trên 1 tỷ đồng. Đưa chúng tôi ra thăm khu nuôi cá, nuôi vịt trời, ông Khặn thật thà: Ở bên sông nước thì phải kiếm ăn từ sông nước. Cái lòng hồ thủy điện mênh mông này sẽ là nguồn sống, là cơ hội làm giàu. Chính từ sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, gia đình tôi và bà con trong bản, xã đã có cuộc sống tốt hơn từ nghề nuôi cá lồng đấy. Nếu cứ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mãi thì làm sao mà thoát nghèo được...

Mô hình nuôi cá lồng của HTX Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).

Với khả năng của mình, năm 2015 ông được các xã viên tin tưởng bầu làm Giám đốc HTX Chiềng Bằng. Hiện tại, HTX có 47 thành viên đều là nông dân trong bản với trên 1.000 lồng cá. Được biết, ông Khặn chỉ là 1 trong rất nhiều những “Giám đốc chân đất” trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Bởi trong 48 HTX thủy sản trên địa bàn huyện phần lớn đều do những người nông dân sáng lập và làm chủ. Thế mới biết, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp quan trọng đến mức nào, bởi từ chỗ là những người nông dân đơn thuần với sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của các cấp, các ngành, những người nông dân đã trở thành những giám đốc năng động, nhanh nhạy, từ việc xây dựng phương án sản xuất cho tới lựa chọn giống, chăm sóc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

Đến với vùng lòng hồ Quỳnh Nhai, chúng tôi càng khâm phục hơn khi thế hệ con cháu của những hộ di dân tái định với kiến thức được học đã biết tận dụng tiềm năng lợi thế của địa phương để khởi nghiệp, làm giàu cho quê hương và gia đình. Điển hình như chàng thanh niên dân tộc Thái thuộc thế hệ “9x” Là Văn Phong, bản Bó Ban, xã Chiềng Bằng. Năm 2015, Phong cùng các bạn là những sinh viên đã tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhau ở Trường Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên với kiến thức được học đã thành lập nhóm Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai. Để phát triển bền vững, lâu dài, đầu năm 2017 nhóm đăng ký thành lập HTX Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, chuyên tổ chức tour du lịch lòng hồ, phục vụ ăn uống; cho thuê phương tiện tham quan lòng hồ; chụp ảnh cưới  trên lòng hồ; dịch vụ hướng dẫn viên du lịch; nuôi, đánh bắt và chế biến thủy sản, cung cấp sản phẩm cá sông Đà. Phong chia sẻ: Chúng em xác định, để tổ chức thành công các tour du lịch đòi hỏi phương tiện phải đảm bảo an toàn, hướng dẫn viên thân thiện, cởi mở, am hiểu về du lịch, lịch sử của địa phương. Việc quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội luôn được chú trọng, nhờ đó nhiều người biết đến đặt tour du lịch lòng hồ.

Được biết, HTX đã tạo được một mạng lưới thuyền du lịch lớn trên địa bàn huyện và trực tiếp quản lý 2 thuyền du lịch với trọng tải từ 5 tấn đến 10 tấn. Đào tạo được 3 hướng dẫn viên trẻ trung, năng động, nhiệt tình, chuyên nghiệp trong công việc... Chỉ tính từ 2017 đến nay, đã tổ chức tour du lịch lòng hồ cho hơn 100 đoàn với số lượng du khách gần 1.500 lượt người. Cùng với đó, HTX đang nuôi 44 lồng cá lăng, trắm, chép, trê với hình thức hữu cơ, đảm bảo cá sạch, an toàn làm nguồn thực phẩm phục vụ du khách tại các tour du lịch, làm quà cho khách… Tuy mới thành lập, HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 8 thành viên HTX; tạo việc làm thường xuyên cho 2 lái thuyền và 1 công nhân trông coi lồng cá. Và chính từ sự nỗ lực của những chàng trai trẻ như Phong và các bạn đã góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch huyện Quỳnh Nhai, đưa hình ảnh một miền quê sơn thủy hữu tình, sông nước mênh mang đến với nhiều người...

Chia tay vùng sông nước, chúng tôi đến xã Chiềng Khay, gặp ông Lò Xuân Hồ, một con người năng động và luôn có tư duy đổi mới. Trong câu chuyện chúng tôi được biết, ông đã từng tham gia và được kết nạp đảng trong quân ngũ, năm 1990 trở về địa phương, ông Hồ tham gia công tác tại xã Chiềng Khay và được giữ chức vụ quan trọng như Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, đến năm 2016, ông nghỉ chế độ. Với tâm huyết của mình, sau khi nghỉ hưu, ông cùng một số người dân trong xã đã đăng ký thành lập HTX Chiềng Khay Xanh chuyên trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. HTX hiện có gần 40 ha đất được quy hoạch từng khu để trồng các loại cây ăn quả, trồng cỏ và khu vực chăn nuôi. Hiện nay, đã trồng được 3,5 ha cây bơ; 6,5 ha mận hậu; 2,4 ha mận tam hoa; 1,6 ha chanh leo; gần 1 ha cây lê; đồng thời, trồng 3,5 ha cỏ voi, xây dựng khu vực chuồng trại để nuôi bò... Tuy mới thành lập, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 3 công nhân và việc làm theo thời vụ cho hàng chục người dân trong bản. Ông Lò Xuân Hồ chia sẻ: Ý tưởng xây dựng HTX trồng cây ăn quả được tôi ấp ủ khi còn đang công tác, bởi đất đai ở đây rất màu mỡ, thích hợp với nhiều cây ăn quả khác nhau. Đây là mô hình đầu tiên tại địa bàn xã, khi thành công sẽ mở ra hướng đi mới để bà con trong xã học tập, làm theo, góp phần phát huy lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế, xóa đói nghèo... Thật khó có thể kể hết cách nghĩ, cách làm mới của những người dân nơi đây, chỉ vài nét chấm phá đã cho thấy Quỳnh Nhai đang chuyển mình đúng hướng.

Một vùng đất cách đây không lâu còn khó khăn bộn bề trong sắp xếp dân cư, di dân lòng hồ thủy điện Sơn La thì nay đã có những phát triển khởi sắc đáng khâm phục. Những đổi thay rõ nét nơi đây đã và đang minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai - những người trong hơn 1 thập kỷ qua đã và đang sát cánh, đồng lòng xây dựng nên vùng đất bên sông Đà ngày càng phát triển và giàu mạnh.

 

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới