Chủ động phòng chống thiên tai

Hơn hai tháng qua, tỉnh ta xảy ra rét đậm, rét hại và mưa đá trên diện rộng làm thiệt hại nặng về gia súc, gia cầm, hoa màu, nhà cửa, với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Chúng ta đang gồng mình phòng chống dịch Covid-19, lại thêm thiên tai luôn đe dọa bất cứ lúc nào, đòi hỏi phải chủ động phương án, giải pháp phòng chống tổng thể để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.

Đợt không khí lạnh tăng cường trong tháng 2, thời tiết tỉnh Sơn La có mưa nhỏ vài nơi, trời rét hại. Trên địa bàn của 10/12 huyện, thành phố: 1 nhà bị hỏng; 2.011 con gia súc, 65kg cá bị chết; 9,2 ha mạ bị chết và thiệt hại rất nặng; ngoài ra còn thiệt hại về cây cối, hoa màu: Tếch, xoài, cà phê, chuối... tổng giá trị thiệt hại ước tính 27.978 triệu đồng. Con số này nói lên, dù đã được các cơ quan chức năng và hệ thống truyền thông báo chí của tỉnh cảnh báo thường xuyên nhưng do sự chủ quan của một bộ phận người dân trong chăn nuôi gia súc, vẫn không rút được kinh nghiệm những năm trước đây, nên thiệt hại về kinh tế là không tránh khỏi.

Thêm nữa, chiều tối ngày 6/3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa, giông lốc, mưa đá tại một số huyện: Mai Sơn, Bắc Yên, gây ra thiệt hại về nhà ở, tài sản của người dân. Thiệt hại 1 nhà sập đổ; 435 nhà bị thủng mái, tốc mái; mưa đá đã gây thiệt hại cho các loại cây ăn quả (mận, dâu tây, xoài, nhãn) đang thời kỳ đậu quả, tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Điều này cũng đã được cảnh báo về quy hoạch lại khu dân cư, lựa chọn vật liệu trong xây dựng nhà ở... nhưng dường như vẫn chưa hiệu quả, làm đau đầu nhà quản lý và nỗi vất vả của nhân dân.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Còn 6 tháng cuối năm, lượng mưa có xu hướng gia tăng, nhất là mưa nhiều hơn vào tháng 7-9. Nắng nóng ở các khu vực có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, kéo dài. Trong năm 2022, các hiện tượng thời tiết, khí hậu có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng mưa lũ cục bộ và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác.

Sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, các cấp, các ngành, huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án của các địa phương. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, để thông tin kịp thời đến nhân dân.

Tăng cường rà soát phương án, xây dựng các kịch bản cụ thể ứng phó thiên tai, mưa lũ lớn, chủ động khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”. Rà soát, điều chỉnh phương án chỉ đạo điều hành trực tuyến đến cấp xã để chỉ huy khi có tình huống mưa lũ xảy ra. Các sở, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị để huy động ứng phó các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng. Đồng thời làm tốt quy hoạch khu dân cư, lựa chọn vật liệu hợp lý trong quá trình xây dựng; di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm thường xuyên xảy ra thiên tai.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống lốc, mưa lũ. Cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nguy hiểm theo hướng dự báo chi tiết. Duy trì và phát triển các hình thức truyền tải bản tin khí tượng thủy văn tới người dùng thông qua App điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube, tạo sự đồng thuận và nâng cao ý thức phòng chống thiên tại cho nhân dân.

Minh Khánh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới