Chỉ dẫn địa lý bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp phát triển và hội nhập

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, phát triển nông thôn là sự tiến bộ dựa trên sự tổng hòa các hoạt động diễn ra trong vùng sản xuất, mà tại đó, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và môi trường, cư dân địa phương là nhân tố quan trọng trong tiến trình phát triển.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La trao bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn

địa lý chè Shan Tuyết Mộc Châu.

Sự phát triển của chỉ dẫn địa lý đã trở thành một hướng chiến lược cho bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thương mại thế giới, giúp thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương nhằm phát triển các vùng lãnh thổ và hệ thống sản xuất nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đồng thời sự phát triển của chỉ dẫn địa lý cũng thúc đẩy chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, đặc biệt là phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế là giải pháp hướng tới sự bền vững của sản xuất, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản, ngoài ra, còn có giá trị tích cực trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Chỉ dẫn địa lý sẽ chỉ ra sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể và được bảo hộ. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý; sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Gắn liền với nguồn gốc địa lý cụ thể danh tiếng của sản phẩm được biết đến một cách rộng rãi và có khả năng kiểm chứng...

Tại tỉnh ta, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đã được chú trọng nhằm phát huy tiềm năng của tỉnh miền núi có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra các chủ trương lớn trong phát phát triển kinh tế, trong đó đã xác định bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp là tập trung cơ cấu lại và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao hiệu quả của các cơ sở chế biến hiện có, đầu tư mới các cơ sở chế biến gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực được tập trung triển khai, phấn đấu đến năm 2020 có 19 sản phẩm xây dựng thượng hiệu chỉ dẫn địa lý. Hiện đã có 4 sản phẩm được xây dựng thượng hiệu chỉ dẫn địa lý gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài Yên Châu, nhãn Sông Mã và cà phê Sơn La; đang tiến hành các bước xây dựng thương hiệu 6 sản phẩm: cá tầm, na Mai Sơn, bơ Mộc Châu,  Sơn tra, cá lòng hồ thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai và Nếp tan Mường Và, Sốp Cộp.  Từ việc xây dựng thương hiệu, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng đã tạo ra những sản phẩm địa phương có ý nghĩa quốc gia như:  Chè shan tuyết Mộc Châu xuất khẩu sang nhiều nước Trung đông; xoài da xanh Yên Châu đã xuất sang thị trường Úc; cà phê Sơn La xuất khẩu tại một số nước Nhật bản, EU...

Đất nước ta gia nhập WTO, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, các hiệp định FTA và hiệp định thương mại... bảo hộ sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thương mại quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập vào thị trường trong nước và quốc tế. Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản đối với các sảm phẩm chủ lực của Sơn La có ý nghĩa hết sức quan trọng để đẩy mạnh phát triển sản xuất bền vững, đưa sản phẩm nông sản Sơn La phục vụ rộng rãi tiêu dùng trong nước và tham thị trường xuất khẩu.

Huy Ngoan
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới