Cần khắc phục ngay tâm lý chủ quan

Chiều ngả bóng xuống núi, tại các điểm công cộng, dọc kè suối Nậm La, Quảng trường Tây Bắc, từng đoàn người nối nhau đi bộ, đạp xe, tập thể dục; trẻ em xúm đông đỏ trượt ván, thả diều... Sẽ là bình thường và chẳng có gì đáng nói nếu như thời điểm này không phải là cao điểm của dịch COVID-19 bùng phát, lây lan khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc.

                      

           

Quảng trường Tây Bắc tập trung rất đông người mỗi buổi chiều.

Ảnh: Lò Linh

           

Hình như sau mỗi đợt dịch, tâm lý lo sợ ngày càng giảm đi cho dù dịch bệnh căng thẳng hơn rất nhiều so với những đợt dịch trước. Năm 2020, đợt dịch đầu tiên, nỗi sợ hãi tột cùng và trở nên thái quá khi người dân đua nhau mua lương thực, thực phẩm dự trữ dẫn đến giá cả tăng vọt, khẩu trang là mặt hàng khan hiếm và đắt đỏ. Dần dần, với trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tâm lý chủ quan xuất hiện và lớn dần đến mức báo động.

           

Dường như, khi thông tin dịch bệnh đã trở nên quá quen thuộc, những con số về ca mắc mới, số người chết vì dịch bệnh có vẻ như không còn tác động mạnh đến nhiều người. Hàng ngày, cho dù thông tin về diễn biến dịch COVID-19, các văn bản chỉ đạo từ Trung ương, Bộ Y tế được cập nhật liên tục trên các phương tiện đại chúng, chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang hoặc chỉ đeo kiểu đối phó.

           

Chợ Gốc phượng (Thành phố) mỗi sáng sớm ken đặc người. Từ gần 1 tháng nay, bà cụ bán rau ở góc đường không còn thói quen đeo khẩu trang như trước. Khi được người mua hàng nhắc khéo, bà vội kéo vành cổ chiếc áo phông rộng thùng thình che được nửa miệng, “dịch không đến Sơn La đâu chú ạ”. Tần suất quên đeo khẩu trang khi ra chợ cũng dày hơn với nhiều người.

           

Những ngày gần đây, các con số thống kê người mắc bệnh liên tục lập “đỉnh” mới mỗi ngày. Mốc mới nhất ngày 12/7, cả nước có 2.383 ca nhiễm COVID-19. Thủ đô Hà Nội, sau những ngày không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, từ 11/7 số ca mắc mới đã ở hai con số, từ 0h ngày 13/7 tiếp tục phải thực hiện tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Không khí căng như khoảng lặng trước bão.

           

Nhiều người dân không đeo khẩu trang.  

Ảnh: Lò Linh

           

Những tháng gần đây, tâm lý chủ quan, lơ là, không nắm chắc tình hình dịch bệnh là nguyên nhân chính dẫn đến dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Giờ đây, mỗi ngày Indonesia, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất và đông dân nhất trong khu vực ghi nhận gần 40.000 trường hợp nhiễm mới, gấp 6 lần con số nhiễm của một tháng trước đó, trong khi số người chết hàng ngày tăng gấp đôi so với đầu tháng 7. Dự báo, nước này có thể rơi vào thảm cảnh như Ấn Độ cách đây 2 tháng.

           

Ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, dịch COVID-19 lần thứ tư đang bùng phát, nguyên nhân chính theo đánh giá của các chuyên gia chủ yếu do chủ quan. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì ung dung, thờ ơ, mất cảnh giác, nhưng khi có dịch thì lúng túng, bị động. Hình ảnh hàng trăm công nhân xô đổ cổng rào, tháo chạy khỏi công ty ở Bình Dương khi nghe tin đồng nghiệp dương tính với SARS-CoV-2 bộc lộ rõ tính phức tạp của tình hình.

           

Tại Sơn La, mỗi ngày vẫn có vài trăm người di chuyển từ các vùng có nguy cơ cao trở về tỉnh. Đáng lo nhất, chính là tâm lý chủ quan, “dịch không đến Sơn La” đã khiến cho những quán bia đông nghịt người, những quầy ăn sáng bố trí tấm chắn chiếu lệ, những quán karaoke lén lút đón khách... cho thấy sự thiếu ý thức, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của một số người dân. Bên cạnh đó, biến chủng Delta của virus đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn. Nhất là khi nhiều người mắc bệnh không có biểu hiện ra bên ngoài, nên dịch dễ âm thầm lây lan vào cộng đồng.

           

Tâm lý chủ động sống chung với dịch bệnh là cần thiết, nhưng không có nghĩa coi thường dịch bệnh. Sống chung mà không phòng ngừa lây nhiễm thì đó thực sự là nguy cơ vô cùng to lớn. Hơn lúc nào hết, cần khắc phục ngay tâm lý chủ quan đang rất phổ biến này.

Trường Chinh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới