Đôi nét chấm phá về khu công nghiệp Mai Sơn

Khu công nghiệp Mai Sơn nằm trên địa bàn xã Mường Bằng - Mường Bon, huyện Mai Sơn là một trong 150 khu công nghiệp của toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006 với tổng diện tích 150 ha, phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: Giai đoạn I quy mô 63,7 ha, giai đoạn II quy mô 86,3 ha. Với mục tiêu là trung tâm phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh, là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Bởi vậy, Khu công nghiệp Mai Sơn đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, cơ quan chức năng để nhanh chóng giải phóng mặt bằng và thu hút các dự án đầu tư.

Những kết quả ban đầu

Một góc Khu công nghiệp Mai Sơn.

Để hiểu kỹ hơn về Khu công nghiệp, chúng tôi tìm hiểu về hoạt động của các dự án đã được đầu tư tại đây. Điểm đến đầu tiên là Chi nhánh Tổng Công ty gas Petrolimex, chúng tôi được Giám đốc Chi nhánh Lò Thanh Thảo giới thiệu: Ngay từ khi triển khai, đơn vị đã được tỉnh và Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh tạo điều kiện về các thủ tục, giấy phép đầu tư; được cấp gần 9.000 m² đất để xây dựng khu sang chiết gas LPG loại bình 12 kg và 48 kg. Bắt đầu xây dựng từ tháng 3/2017, đến tháng 11/2017 thì hoàn thành và được nghiệm thu các hệ thống, thiết bị. Từ đầu năm 2019 đến nay, Chi nhánh cung cấp hơn 86.400 bình gas cho Chi nhánh Xăng dầu Sơn La và Công ty Xăng dầu Điện Biên, tổng trị giá hơn 30 tỷ 117 triệu đồng...

Công nhân Chi nhánh Tổng Công ty gas Petrolimex kiểm tra hệ thống cứu hỏa.

Đến Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La đúng vào ngày chạy ca đầu tiên của niên vụ sắn 2019, do chưa đủ nguyên liệu nên các dây chuyền sản xuất chỉ chạy được khoảng 50% công suất nhưng trên khuôn mặt của cán bộ, công nhân của Công ty ai nấy đều rất vui. Anh Ngô Hồng Lĩnh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Công ty được cấp phép xây dựng cuối năm 2016; đến cuối năm 2017 thì dây chuyền bắt đầu chạy thử và đầu năm 2018 chính thức đi vào hoạt động. Dây chuyền sản xuất của Công ty có công suất 300 tấn bột sắn/ngày, tương đương khoảng 1.000 tấn sắn tươi. Niên vụ năm 2018, Công ty đạt sản lượng 37.000 tấn sắn bột; giải quyết việc làm cho 190 công nhân với mức lương trung bình 5,7 triệu đồng/người/tháng. Hiện, chúng tôi đang tăng cường xây dựng các vùng nguyên liệu tại các huyện trong tỉnh Sơn La và 1 số huyện của tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào)...

Tại Công ty TNHH Thanh Nhung, Công ty chuyên sản xuất chế biến lâm sản, không khí cũng rất sôi động bởi tiếng máy cưa và sự hối hả của những người lao động. Hơn 30 công nhân, chủ yếu là phụ nữ ở xã Mường Bon, nhịp nhàng đưa các thanh gỗ thô vào máy xẻ hay thoăn thoắn đôi tay xếp các thanh gỗ thành phẩm vuông vắn để đóng vào các túi bóng xếp hàng chờ vận chuyển. Anh Đàm Văn Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chúng tôi được cấp 10.700 m² đất để đầu tư kinh doanh. Giai đoạn 1, chúng tôi mới đầu tư nhà xưởng, dây chuyền xẻ, sơ chế, sấy, bào gỗ thành phẩm. Năm 2018, là năm đầu tiên hoạt động nên Công ty mới chỉ đạt được công suất hơn 280 m³ gỗ thành phẩm. Năm 2020, chúng tôi dự định tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để xây dựng phân xưởng ép các thanh gỗ có đường kính từ 1,2-1,4m...

Được biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án hoạt động tại Khu công nghiệp Mai Sơn, trong đó có 9 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước và 1 doanh nghiệp FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký 830 tỷ đồng (trong đó tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt khoảng 484 tỷ đồng). Các dự án đang đầu tư thuộc các lĩnh vực: Điện quang năng, chế biến tinh bột sắn, sản xuất vật liệu không nung, chế biến lâm sản, sang chiết gas, nhũ tương nhựa đường. Diện tích đất công nghiệp đã cấp cho các nhà đầu tư là 33,88ha/44,29ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 77% diện tích đất công nghiệp giai đoạn I. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp bước đầu đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lũy kế đến hết tháng 8/2019, các nhà máy đã sản xuất, cung ứng ra thị trường 7,2 triệu viên gạch các loại; sản xuất trên 48.577 tấn tinh bột sắn; 127 tấn nhũ tương nhựa đường; 235 tấn than sinh học; san chiết gas đạt 2.740 tấn; chế biến hơn 540 m³ gỗ. Tổng giá trị doanh thu sản xuất kinh doanh đạt 607 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 300 lao động (chủ yếu là lao động tại địa phương). Giá trị xuất khẩu  đạt 231 tỷ. Nộp ngân sách Nhà nước (sau khi đã giảm trừ các khoản thuế được ưu đãi) khoảng 10 tỷ đồng (dự báo số nộp ngân sách sẽ không ngừng tăng do hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư tiếp tục có hiệu quả nhờ bổ sung dây chuyền sản xuất từ chế biến thô sang chế biến tinh).

Đồng chí Bùi Văn Mẫn, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La, cho biết: Công tác cải cách hành chính luôn được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và được xác định là một trong những khâu đột phá, nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng. Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư vào Khu công nghiệp, phát huy những hiệu quả tích cực của cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp. Thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án đầu tư trong Khu công nghiệp để đảm bảo tiến độ, hiệu quả sử dụng đất của dự án đầu tư. Trọng tâm vào công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự... Ban Quản lý khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư chiều sâu; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ các dự án, không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư mà bỏ qua vấn đề môi trường. Ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường.

Cần những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ giai đoạn II

Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Mai Sơn được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 285,5 tỷ đồng. Các hạng mục kết cấu hạ tầng chính của dự án đầu tư Khu công nghiệp đã thực hiện, gồm: Đường giao thông từ quốc lộ 6 vào Khu công nghiệp và 1,3 km đường giao thông nội bộ; Hệ thống cấp nước với Nhà máy cấp nước sạch có công suất 5.000 m³/ngày đêm; Hệ thống xử lý nước thải công suất 2.500 m³/ngày đêm, đã đầu tư xây dựng xong phần xây dựng của Nhà máy xử lý nước thải tập trung; Hệ thống cấp điện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cấp điện Khu công nghiệp, công suất 2.500 KVA (35/0,4)...

Tuy nhiên, vấn đề gặp nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ thi công các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng bị kéo dài và ảnh hưởng đến công tác bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Mai Sơn, đó là công tác giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2008 - 2009 đã giải phóng mặt bằng 45,78/63,7ha. Diện tích chưa giải phóng mặt bằng là 17,92 ha; diện tích này hiện mới thực hiện xong quy trình kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế kiểm đếm và đã được công khai số liệu kiểm đếm. Để chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai thực hiện Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và giải phóng mặt bằng của Giai đoạn II, Khu công nghiệp Mai Sơn (từ năm 2021 đến 2025) theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Sơn La, đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư đã khảo sát và dự kiến đầu tư vào Khu công nghiệp Mai Sơn, Ban Quản lý các khu công nghiệp và UBND huyện Mai Sơn cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; trực tiếp gặp gỡ các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng phải thu hồi đất để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền, giải thích để các hộ dân nhận thức rõ lợi ích của các dự án mang lại đối với đời sống xã hội và việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cả trước mắt cũng như lâu dài, bảo đảm phương án giải phóng mặt bằng thực hiện đúng các quy trình, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Những bao tinh bột sắn đầu tiên của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La niên vụ sắn 2019.

Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện bố trí cho một số con em các hộ gia đình bị thu hồi đất vào làm việc tại các nhà máy trong Khu công nghiệp, giúp người dân có thu nhập ổn định sau khi bị thu hồi đất. Phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước tại Khu công nghiệp, trọng tâm vào quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự. Quan tâm thực hiện công tác xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp Mai Sơn; thường xuyên gặp gỡ để nắm bắt, tháo gỡ một số khó khăn cho các nhà đầu tư. Thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư, trọng tâm vào các việc, như: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu Khu công nghiệp; triển khai hiệu quả dự án đầu tư Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư tại tổ 5, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La để huy động nguồn vốn đầu tư cho Khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp (giai đoạn I) theo đúng chỉ đạo của tỉnh, góp phần đưa Khu công nghiệp Mai Sơn phát triển nhanh và bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở tỉnh Sơn La trong thời gian tới.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
  • 'Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

    Kinh tế -
    Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, livestream bán hàng đã tạo nên một làn sóng mới trong thương mại điện tử, nhất là bán sản phẩm nông sản. Với tính tương tác cao, khả năng giới thiệu sản phẩm chi tiết và minh bạch, livestream đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu cho nông sản.