Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung - cầu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 34,2% (Ảnh: A.N) |
Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm 2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 34,2% so với tháng 1/2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2023 ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 7,2%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Đà Nẵng tăng 24,7%; Hà Nội tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 11,4%; Khánh Hòa tăng 9,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%.
Thị trường các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú, tuy nhiên, người dân, người lao động có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn, tiết giảm những chi phí không cần thiết. Sức mua trong các tháng cuối năm và dịp Tết tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong vài tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.
Mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... trong những ngày cận Tết tăng theo quy luật thị trường, mức tăng không quá cao và giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường 5-10%, giá bán được giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết.
Với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn, xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm.
Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi của loại hình này cùng với việc nhà cung cấp tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Nhìn chung, trước, trong và sau Tết, hàng hóa dồi dào (tăng hơn 20% so với ngày thường) đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Do sức mua năm nay không lớn (tăng từ 8-10% tùy từng mặt hàng) nên giá phần lớn các mặt hàng trước và sau Tết chỉ tăng nhẹ (trong khoảng 2-10% tùy mặt hàng), nguồn cung mặt hàng thịt lợn ổn định, giá thấp hơn năm trước. Thị trường không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung được bảo đảm.
Trong những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa, gây bất ổn thị trường. Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Chính phủ giao năm 2023, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết 01 của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!