Hiện nay, tại các cửa hàng tạp hóa ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng được bày bán công khai khá phổ biến. Vi phạm này diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên do lực lượng chức năng còn mỏng và điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức trong tiêu dùng của bà con các dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa được ngăn chặn.
Hàng nhái có tên gần giống với hàng thật: Oishi thành Aishi, Gotte thành Gotten...
Ghé vào một cửa hàng tạp hóa tại xã Chiềng Bôm (Thuận Châu), bày bán khá nhiều mặt hàng bánh, kẹo, nước ngọt... Qua quan sát, thấy các bao bì bị thêm, bớt hoặc thay đổi vài chữ cái để nhìn gần giống với các thương hiệu, như: Gotte với Gotten, Creamy với Kreamy, Oshi với Ashi... Còn đồ uống, hình thức in bên ngoài rất sơ sài, các thông tin trên chai không rõ nét, mép dán nhãn không được phẳng phiu, chắc chắn như hàng thật. Mua 1 chai nước Coca Cola, chúng tôi nghi ngờ là hàng giả, bởi khi uống có vị nhạt, lợ, rất ít ga. Còn hộp bánh có nhãn hiệu Stomi, in đầy đủ tên cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, khối lượng bánh được ghi trên bao bì là 450g, tuy nhiên khi mở ra, thực chất chỉ có 250g bánh và một tấm bìa nặng hơn 200g.
Vào trung tâm xã Pá Lông, ở đây hiện có 16 cửa hàng kinh doanh dịch vụ. Chị Và Thị Si, bản Từ Sáng, chủ một cửa hàng tạp hóa, cho biết: Trung bình mỗi tuần, các thương lái sẽ chở hàng hóa từ 1-2 lần đến tận xã đổ hàng cho chúng tôi. Họ có mặt hàng nào thì chúng tôi sẽ nhập mặt hàng đó, không chú ý đến các nhãn hàng, xe chở hàng ở đâu lên cũng không được rõ.
Với giá rẻ bằng một nửa so với hàng thật, hợp túi tiền, nhiều hàng giả, hàng nhái có bao bì bắt mắt vẫn đánh lừa bà con, người dân vô tư tiêu dùng khiến người bán không mấy bận tâm về vấn đề này. Anh Ly A Khánh, bản Từ Sáng, xã Pá Lông cho hay: Tôi thường mua hàng tiêu dùng như dầu ăn, mì tôm, dầu gội... Tôi chỉ quan tâm đến hạn sử dụng của sản phẩm, chứ không biết là hàng thật hay hàng giả. Có lần, tôi mua một chai rượu chỉ có vài nghìn đồng về uống thấy rất mệt và đau đầu, đi khám tại Trạm Y tế xã, mới biết được mình đã dùng phải rượu giả. Từ đó, đã rút kinh nghiệm, lựa chọn kỹ càng hơn.
Nhiều loại bánh kẹo có nhãn mác không rõ ràng được bày bán tại một của hàng xã Chiềng Bôm (Thuận Châu).
Theo báo cáo của Đội Quản lý thị trường số 5 (Quỳnh Nhai - Thuận Châu), trong 6 tháng đầu năm 2021, Đội đã kiểm tra 119 vụ trên địa bàn huyện Thuận Châu, xử lý vi phạm 81 vụ, gồm: 2 vụ hàng giả, 30 vụ vi phạm về giá, 16 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, 33 vụ việc vi phạm khác. Tiêu hủy tại chỗ với tổng giá trị hàng hóa hơn 16 triệu đồng, thu phạt nộp ngân sách hơn 115 triệu đồng.
Ông Nguyễn Việt Khoa, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 5, cho biết: Hiện có một số sản phẩm mặt hàng được làm giả với công nghệ cao, tinh vi, một số cơ sở kinh doanh vì ham lợi lén lút mua bán, tạo cơ hội cho các loại hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm tồn tại ở một số địa bàn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Để ngăn chặn và xử lý triệt để hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tại vùng cao, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm với hộ kinh doanh; trực tiếp hướng dẫn nhân dân cách nhận biết các dấu hiệu của một số sản phẩm hàng hóa thường được làm giả trên thị trường; tác hại của hàng giả, kém chất lượng, sản phẩm hàng hóa, hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở trong việc quản lý, phối hợp với các ban, ngành chức năng. Việc nâng cao nhận thức tiêu dùng sẽ làm cho thực phẩm kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khó tồn tại, góp phần đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!