Giá trị giao dịch toàn Sở gia tăng hơn 5%, đạt gần 3.200 tỷ đồng. Dòng tiền tiếp tục tập trung tại thị trường nông sản và năng lượng, 2 nhóm mặt hàng được giao dịch chủ chốt, đồng thời cũng ghi nhận những biến động mạnh trong ngày hôm qua.
Khô đậu tương giảm mạnh 3%
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, cả 3 mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt suy yếu. Giá đậu tương đã sụt giảm hơn 2% và ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Sau giai đoạn giằng co đầu phiên, lực bán đã dần được đẩy mạnh và áp đảo thị trường. Triển vọng nguồn cung tốt hơn là nguyên nhân lý giải cho diễn biến giá trong phiên vừa rồi.
Tương tự đậu tương, cả hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu cũng đều sụt giảm mạnh. Bên cạnh kỳ vọng nguồn cung nới lỏng tại Argentina, triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu hơn sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Đức là yếu tố đã gây sức ép lên giá khô đậu, khiến mặt hàng này lao dốc hơn 3% trong ngày hôm qua. Đối với dầu đậu tương, giá chỉ đã sụt giảm nhẹ do ảnh hưởng của diễn biến dầu cọ.
Cùng chung diễn biến, giá ngô tiếp nối đà giảm trong phiên thứ 5 liên tiếp và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng nửa năm qua. Nhịp giảm vừa qua của ngô xuất phát từ triển vọng nguồn cung nới lỏng của Mỹ với dự báo diện tích gieo trồng sẽ gia tăng và tình hình ổn định đối với vụ ngô thứ 2 của Brazil.
Theo Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (IMEA), sản lượng ngô vụ 2 của bang sản xuất chính này được dự kiến sẽ đạt mức 46,4 triệu tấn, duy trì so dự báo hồi đầu tháng. Nếu trở thành hiện thực, con số này sẽ cao hơn 5,87% so niên vụ trước, chủ yếu nhờ diện tích gieo trồng dự báo tăng 3,68% lên mức 7,42 triệu ha.
Năng suất vụ 2 của Brazil thường biến động lớn qua từng niên vụ do chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ thời tiết và phụ thuộc vào tiến độ thu hoạch đậu tương trước đó. Năm nay, mặc dù mùa vụ đang chậm trễ so với tốc độ trung bình nhưng với triển vọng thời tiết không quá cực đoan thì khả năng tác động tiêu cực từ thời tiết tới năng suất vụ 2 sẽ được hạn chế và là yếu tố thúc đẩy lực bán đối với thị trường ngô.
Giá dầu phục hồi
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, giá dầu ghi nhận đà phục hồi trở lại với dầu WTI tăng 1,81% lên 77,05 USD/thùng, và dầu Brent tăng 1,28% lên 83,09 USD/thùng. Triển vọng tích cực trong bức tranh tiêu thụ tại khu vực châu Á đã thúc đẩy lực mua trong phiên. Tuy nhiên, cho tới nay, dầu thô đã ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp khi những lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất làm giảm tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã liên tục gây sức ép đến giá.
Lực mua được thúc đẩy ngay từ đầu phiên, một phần do các tín hiệu kỹ thuật, và một phần do rủi ro nguồn cung từ Nga có thể sẽ giảm hơn 500 nghìn thùng/ngày kể từ tháng 3 trong khi nhu cầu được kỳ vọng sớm phục hồi, đặc biệt là tại khu vực châu Á.
Theo Reuters, quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới Saudi Arabia dự kiến sẽ nâng giá bán dầu thô chính thức (OSP) cho các hợp đồng tương lai tháng 4 đối với thị trường châu Á thêm khoảng 40 Cent đối với dầu Arab Light. Qua đó, quốc gia này sẽ đưa mức chênh lệch giá OSP so mức giá trung bình của Dubai/Oman lên 2,4 USD/thùng. Điều này cho thấy kỳ vọng tích cực hơn của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đối với nhu cầu tại khu vực này, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Các nguồn tin của Reuters cho biết xuất khẩu dầu thô của Ural sang Trung Quốc từ các cảng phía tây của Nga đã tăng trong tháng 2 so tháng trước, do chi phí vận chuyển thấp hơn và nhu cầu tăng. Một cuộc thăm dò cho thấy giá dầu dự kiến sẽ tăng hơn 90 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023.
Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Nga cũng sẽ tiếp tục bán nhiều dầu nhất có thể cho Ấn Độ bất chấp sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc, với thời gian vận chuyển trung bình 35 ngày, ngắn hơn 40-45 ngày so Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã nhập khẩu khoảng 1,85 triệu thùng mỗi ngày từ Nga vào tháng 2, gần với mức kỷ lục 2 triệu thùng/ngày trước đó.
Xuất khẩu dầu trên biển của Nga vẫn có khả năng phục hồi trong tháng 2, khi quốc gia này tìm thấy những đối tượng khách hàng mới bất chấp lệnh trừng phạt từ các nước phương tây.
Theo Bloomberg, các nhà sản xuất Nga đã xuất khẩu trung bình 7,32 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày, tương đương với mức xuất khẩu tháng 12 và chỉ thấp hơn khoảng 9% so mức cao lịch sử hồi tháng 9. Kỳ vọng tiêu thụ phục hồi, đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc đang là những yếu tố thúc đẩy lực mua trong phiên.
Giá dầu thô có thể chịu sức ép trong sáng nay
Tuy nhiên, theo MXV, nguồn cung vẫn đang dồi dào tương đối so nhu cầu, vẫn sẽ hạn chế sức mua. Theo cuộc khảo sát, sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 2 do nguồn cung của Nigeria phục hồi với mức tăng 100 nghìn thùng/ngày, đưa sản lượng của nhóm đạt khoảng 28,97 triệu thùng/ngày, tăng 150 nghìn thùng/ngày so tháng 1.
Rạng sáng 1/3, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng mạnh 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/2, cao hơn dự báo chỉ tăng 500 nghìn thùng, và cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Các thông tin về nguồn cung có thể là yếu tố gây sức ép cho giá dầu trong phiên mở cửa sáng nay, trước khi thị trường tiếp nhận dữ liệu sản xuất từ Trung Quốc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!