Về quê hương cách mạng Bản Lầm

Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về xã Bản Lầm (Thuận Châu)- vùng đất giàu truyền thống cách mạng với Đội du kích Bản Lầm có nhiều chiến công, đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, giải phóng quê hương.

Một thời không quên

Từ quốc lộ 6, chúng tôi theo con đường trải nhựa, vượt qua dốc Hốc quanh co đến trung tâm xã Bản Lầm; dọc hai bên đường, màu xanh của những vườn cây cà phê, cây ăn quả, những ngôi nhà khang trang minh chứng cho những đổi thay trên vùng quê cách mạng, một cuộc sống ấm no đang hiện hữu nơi đây.

Những người thuộc thế hệ cha ông tham gia cách mạng ở xã Bản Lầm nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cầm trên tay cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bản Lầm, đồng chí Lường Văn Toàn, Bí thư đảng ủy xã thông tin: Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bản Lầm mà chúng tôi dày công biên soạn đã ghi chép lại toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của xã Bản Lầm, đặc biệt là những đóng góp của nhân dân các dân tộc xã Bản Lầm trong công cuộc chống thực dân Pháp. Bản Lầm với vị trí gần Mường Chanh - căn cứ cách mạng đầu tiên của tỉnh Sơn La, nhân dân Bản Lầm sớm giác ngộ cách mạng, là điều kiện thuận lợi để xã tổ chức, xây dựng khu an toàn, mở rộng phong trào cách mạng tới các vùng lân cận. Đầu năm 1943, Bản Lầm có 3 thanh niên là Lường Văn Bốn, Cà Văn Sáng, Cà Văn Sam ra học chữ tại Trường Tiểu học Chiềng Lề, ở trọ tại nhà ông Chu Văn Thịnh và được giác ngộ cách mạng. Tháng 10/1944, cả ba trở về xã, liên lạc với Hội Thanh niên cứu quốc và thành lập Đội du kích Bản Lầm với 25 đội viên, do ông Lường Văn Bốn làm Đội trưởng. Các đội viên thanh niên cứu quốc đã tuyên truyền cho nhân dân hiểu về cách mạng, tập hợp người dân thành khối thống nhất đấu tranh với ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Được nhân dân ủng hộ, từ 25 đội viên ban đầu, Đội đã tăng lên 58 đội viên và mở rộng địa bàn hoạt động.

Một góc xã Bản Lầm hôm nay.

Nói về truyền thống cách mạng ở Bản Lầm, đồng chí Lường Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầm kể cho chúng tôi những câu chuyện mà ông đã nghe được qua các thế hệ cha, anh từng tham gia đội du kích Bản Lầm: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hoạt động cách mạng tại Bản Lầm diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, nhân dân đã đóng góp lương thực, thực phẩm, vũ khí cho đội tự vệ chiến đấu gồm 27 khẩu súng kíp, 55 con trâu và nhiều thóc gạo. Ngày 25/8/1945, Đội du kích Bản Lầm cùng Đội du kích Mường Chanh do đồng chí Cầm Vĩnh Tri làm Đội trưởng đã tiến về Tỉnh lỵ Sơn La, cùng với Đội tự vệ của Tỉnh lỵ và các châu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại Tỉnh lỵ Sơn La. Sau khởi nghĩa, chính quyền cách mạng Sơn La phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, nhân dân Bản Lầm cũng như nhân dân khắp nơi trong tỉnh không có lương thực, phải vào rừng đào củ mài, củ sắn ăn thay cơm. Đội du kích Bản Lầm thiếu thốn về mọi mặt, không chỉ là lương thực, thực phẩm, mà vũ khí chủ yếu là tự chế... Thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, phong trào “Hũ gạo kháng chiến” được nhân dân Bản Lầm tích cực hưởng ứng, mỗi người tình nguyện san sẻ phần lương thực ít ỏi của mình đóng góp nuôi quân. Qua đó, đã góp phần giúp chính quyền cách mạng địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn năm 1945.

Từ năm 1946-1954, Bản Lầm được lựa chọn là trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính của huyện Thuận Châu. Nhân dân các dân tộc xã Bản Lầm đã đóng góp cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên 500 tấn lương thực, thực phẩm các loại; 270 khẩu súng kíp và hàng nghìn ngày công phục vụ chiến đấu. Trong tổng số 96 người con của Bản Lầm tham gia bộ đội chiến đấu, có 26 người đã hy sinh được công nhận là liệt sĩ, 6 người được xếp hạng thương tật, hưởng chế độ thương binh, 3 người mất tích, 30 người bị thương, 3 người bị bắt đi đày ở đảo Phú Quốc, nhà tù Hỏa Lò, nhà giam Cam Ranh. Ghi nhận công lao đóng góp của cán bộ, nhân dân xã Bản Lầm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 2003, Chủ tịch nước đã Quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” cho xã Bản Lầm.

Đến thăm gia đình ông Đèo Văn Hý, bản Buống Khoang, là một trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng. Trong ngôi nhà sàn truyền thống nằm ngay cạnh con đường bê tông nội bản, ông Hý với nụ cười đôn hậu niềm nở đón khách, ở cái tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Kể về truyền thống tham gia cách mạng của gia đình, ông Hý tự hào: Bà nội tôi là Đèo Thị Pé có 5 người con, trong đó, 4 con trai, 1 con gái, con trai út là Đèo Văn Pản, là chiến sĩ thuộc đơn vị Vệ quốc đoàn, trong trận đánh chống thực dân Pháp tại bản Quang Huy, xã Quang Huy (Phù Yên) đã hy sinh tháng 11 năm 1946 và con trai cả là Đèo Văn Muôn là chiến sĩ Đội du kích Bản Lầm hy sinh năm 1949 khi tham gia đánh quân Pháp tại xã Chiềng Cọ. Phát huy truyền thống cách mạng và lòng yêu nước, bố tôi là cụ Đèo Văn Đôi cũng tích cực đi vận động nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm, vũ khí cho bộ đội, ông cũng là người tiên phong đưa người dân xã Bản Lầm đi tản cư lên tận Long Hẹ, Mường Bám trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ông Đèo Văn Hý luôn tâm niệm phải đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương Bản Lầm ngày càng phát triển. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, năm 1958-1965, ông làm Phó Bí thư Đoàn xã, từ năm 1966-1969, làm Văn phòng Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, từ 1970-1980, làm Phó Bí thư Thường trực đảng ủy xã và từ năm 1981-1990, ông làm Chủ tịch UBND xã. Dù ở cương vị nào ông Hý cũng luôn trách nhiệm với công việc được giao, đoàn kết cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động người dân tập trung sản xuất, đẩy mạnh thâm canh cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bản Lầm hôm nay

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, nhân dân các dân tộc xã Bản Lầm đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày, khoác lên mình diện mạo mới, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Bí thư đảng ủy xã Lường Văn Toàn cho biết: Trong những năm qua, Đảng ủy xã luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ xã đến bản luôn được củng cố kiện toàn và không ngừng lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Hiện, toàn Đảng bộ xã có 308 đảng viên, sinh hoạt tại 14 chi bộ. Trong phát triển kinh tế, hằng năm, Đảng bộ xã xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn những cây, con giống mới, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Trong đó, chú trọng phát triển mở rộng diện tích cây cà phê, sơn tra, cây ăn quả trên đất dốc, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

Đường liên bản tại xã Bản Lầm đã được bê tông hóa.

Nói về cuộc sống của người dân ở Bản Lầm hôm nay, anh Cà Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã thông tin: Hiện nay, bà con xã Bản Lầm thâm canh 85 ha lúa hai vụ, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha; trồng 1.077 ha cà phê, trong đó, diện tích cà phê cho thu hoạch là 992 ha, năng suất 7 tấn/ha; diện tích đang chăm sóc là 85 ha; 127 ha cây ăn quả  các loại. Tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm theo hướng nuôi nhốt, thường xuyên kiểm tra tiêm phòng các loại dịch bệnh; toàn xã có 1.065 con trâu, bò, 545 con dê; 1.462 con lợn và trên 7.000 con gia cầm. Đẩy mạnh công tác tín dụng, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất và kinh doanh, nhất là vay vốn đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, từ đầu năm đến nay, huy động được hơn 20 tỷ đồng cho các hộ vay.

Mô hình trồng cà phê của người dân bản Phé.

Theo con đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi, chúng tôi đến bản Phé, thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Cà Văn Thịnh. Dẫn chúng tôi thăm vườn cà phê trĩu quả, ông Thịnh cho biết: Gia đình tôi trồng 2,8 ha cà phê, trước đây số diện tích này gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2010, gia đình tôi đã quyết định chuyển sang trồng cà phê, trung bình một năm thu hoạch khoảng 15 tấn quả cà phê. Ngoài ra, tôi còn trồng hơn 100 gốc mận hậu xen cà phê; duy trì nuôi hơn 100 con gà giống địa phương, mỗi tháng xuất bán từ 20-30 con gà thịt. Thu nhập bình quân của gia đình khoảng 150 triệu đồng/năm.

Đời sống của nhân dân được nâng lên đã tạo thêm động lực cho thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm đến nay, xã đã đầu tư xây dựng công trình nước sạch cụm bản Lầm; sửa chữa thủy lợi Huổi Khem, nhà lớp học 2 tầng 4 phòng của Trường Tiểu học - THCS, với tổng số vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 3 tỷ đồng. Đến nay, 100% bản có tuyến đường giao thông nông thôn, nội đồng được cứng hóa; xã đạt 9/19 tiêu chí, 25/49 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi; quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia; đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo; duy trì bảo đảm sỹ số học sinh đến lớp ở các cấp học, bậc học. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình y tế trên địa bàn, làm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân... Hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, vệ sinh môi trường... gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rộng khắp ở các bản.

Tự hào về truyền thống cách mạng với những ký ức lịch sử hào hùng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bản Lầm hôm nay càng quyết tâm đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Quàng Hưởng - Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.