Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố, thời gian qua, huyện Thuận Châu đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn rà soát, xây dựng phương án quy hoạch, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Cán bộ xã Co Tòng (Thuận Châu) tuyên truyền chủ trương sáp nhập các bản tới người dân.
Huyện Thuận Châu hiện có 570 bản, trong đó gần 60% bản có quy mô dưới 100 hộ, số người hoạt động không chuyên trách hiện nay khá lớn, ngân sách rất tốn kém mà hiệu quả hoạt động không cao. Ngay sau khi có hướng dẫn của tỉnh về việc sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tổ chức rà soát, tuyên truyền, vận động, xây dựng đề án. Trong đó, quán triệt tiêu chí: đối với bản phải từ 200 hộ trở lên, đối với tiểu khu phải từ 300 hộ trở lên; bản, tiểu khu khi sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã. Các xã, thị trấn thành lập tổ công tác, xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê về diện tích, số hộ, cơ sở vật chất, phong tục tập quán, tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã, bản đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập các bản chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định; tiến hành họp để thống nhất phương án sáp nhập, đối thoại giải đáp những thắc mắc của người dân để tạo sự thống nhất cao.
Tại xã Mường Khiêng, những ngày gần đây, câu chuyện sáp nhập bản được bà con rất quan tâm. Đồng chí Lò Văn Nọi, Bí thư Đảng ủy xã nêu quan điểm: Xã có 36 bản với 2.040 hộ, 98% là dân tộc Thái, phong tục tập quán nhiều nét tương đồng, diện tích đất liền kề nên việc sáp nhập khá thuận lợi. Lúc đầu người dân lo ngại việc sáp nhập bản sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi và thủ tục hành chính của bà con. Nhưng khi hiểu được sáp nhập sẽ giảm đội ngũ cán bộ, tiết kiệm kinh phí để có điều kiện đầu tư cho chính địa phương mà không phát sinh thủ tục hành chính nào nên người dân đồng lòng nhất trí. Theo phương án, sau sáp nhập xã rút gọn còn 14 bản, thuận lợi hơn trong triển khai các công việc, nhất là tạo sự đoàn kết, thống nhất, huy động được nhiều nguồn lực trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã mới chỉ có 9 bản có nhà văn hóa, nếu sáp nhập, nhiều bản sẽ có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng.
Có thể thấy, chủ trương sáp nhập các bản, tiểu khu trên địa bàn huyện Thuận Châu bước đầu được đa số người dân đồng thuận. Tuy nhiên, việc sáp nhập bản, tiểu khu cũng đặt ra một số vấn đề như: các bản sau khi sáp nhập có diện tích rộng, quy mô dân số lớn, người dân bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn về công tác quản lý địa bàn dân cư, bố trí cán bộ làm công tác ở bản, tiểu khu; tình trạng cơ sở vật chất không đáp ứng được quy mô dân số sau khi sáp nhập; người dân cũng phải đi xa hơn khi tham gia các hoạt động chung của bản...
Đến xã Co Tòng vào đúng dịp các bản đang tổ chức lấy ý kiến của người dân về việc sáp nhập. Xã hiện có 12 bản, với 596 hộ, 100% là dân tộc Mông sinh sống. Phương án của xã sau sáp nhập sẽ còn lại 5 bản; trong năm 2018, xã dự kiến sáp nhập 2 bản Cá Chua (26 hộ) và Co Nhừ (58 hộ). Ông Vừ Hồng Phía, bản Cá Chua nêu ý kiến: Sắp tới khi sáp nhập 2 bản lại, chỉ có bản Cá Chua có nhà văn hóa đủ chỗ sinh hoạt cho 50 hộ. Vì vậy, cần phải hỗ trợ quỹ đất, kinh phí để xây dựng nhà văn hóa mới và việc người dân đóng góp xây dựng cần thực hiện hợp lý, công bằng. Như vậy mới nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng sau khi sáp nhập các chi hội đoàn thể, như Hội người cao tuổi, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh của bản mới sẽ đông hội viên. Chi hội trưởng các hội đoàn thể hiện không được hưởng phụ cấp trong khi số lượng hội viên quá đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động; dôi dư cán bộ sau sắp xếp; vướng mắc trong thủ tục hành chính, tư pháp có liên quan đến tên mới của bản...
Trước những lo lắng, băn khoăn của người dân, đồng chí Lò Văn Quyết, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thuận Châu cho biết: Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, huyện đang xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc các yếu tố liên quan khi sáp nhập; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân một cách thấu đáo, khi nào người dân hiểu, đồng thuận mới triển khai. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các bước sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu theo đúng trình tự, kế hoạch đề ra, lựa chọn phương án sáp nhập phù hợp nhất. Bên cạnh đó, phòng sẽ tham mưu với UBND huyện có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác cải cách hành chính liên quan đến người dân; có phương án sinh hoạt bản, tiểu khu theo cụm, khu dân cư để khắc phục tình trạng thừa, thiếu chỗ ngồi tại các nhà văn hóa...
Việc sắp xếp, sáp nhập lại bản, tiểu khu sẽ có quy mô dân số lớn, người dân hợp tác sản xuất, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, tập trung; góp phần tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!