Pha Đin - Xưa và nay

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin là một trong những trọng điểm giao thông bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt, bởi đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, súng đạn chi viện cho bộ đội tại chiến trường, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Pha Đin xưa là thế, hôm nay, người dân nơi đây đang phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

 Đỉnh đèo Pha Đin hôm nay.

Nơi cửa ngõ chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngược dòng lịch sử, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin đóng vai trò hết sức trọng yếu, bởi nằm trên tuyến đường huyết mạch, độc đạo, vận chuyển lương thực, bảo đảm giao thông trên tuyến đường từ Hòa Bình, Yên Bái qua Sơn La lên Điện Biên. Đặc biệt, đèo Pha Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên - Nơi cửa ngõ của chiến dịch Điện Biên phủ nên quân Pháp luôn tìm cách để cắt đứt việc tiếp lương, tải đạn của quân và dân ta ra mặt trận, chúng cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần mỗi ngày, điên cuồng thả hàng trăm quả bom phá, nổ chậm, bom bi... xuống đèo, nên nơi này được ví như “túi bom” bởi có ngày, địch ném xuống đây hơn 100 quả bom các loại...

Để đảm bảo thông xe, thông tuyến, phục vụ kịp thời chuyển quân, chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến, đã có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình tại con đèo huyền thoại này, trong đó, huyện Thuận Châu có những đóng góp rất lớn về sức người, sức của. Chiến tranh đã lùi xa, những người tham gia chiến dịch ở vùng đất này nay tuổi đều đã cao, song họ vẫn không thể nào quên những năm tháng hào hùng ấy, những câu chuyện bi hùng, kỷ niệm không quên về một thời gian khổ, ác liệt luôn nhắc nhở tới con cháu mãi về sau.

Những ngày đầu tháng mười, chúng tôi theo các cán bộ Ban CHQS huyện Thuận Châu đến thăm các cụ từng là dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Người đầu tiên chúng tôi gặp là cụ Quàng Thị É (bản Hua Nà, xã Tông Lạnh), năm nay gần 90 tuổi nhưng cụ vẫn rất minh mẫn. Bên hiên nhà sàn, mời chúng tôi uống chén nước vừa hãm từ những lá chè tươi vừa được hái từ đồi chè của gia đình, cụ kể: Ngày đó, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Chính phủ, rất đông thanh niên các dân tộc huyện Thuận Châu tham gia dân công hỏa tuyến, dù giặc Pháp đánh phá rất ác liệt. Tháng 2/1954, vừa xây dựng gia đình được 4 tháng, tôi vẫn xung phong tham gia dân công hỏa tuyến cùng 20 người khác trong bản. Ngoài vận chuyển lương thực, thực phẩm qua đèo Pha Đin, tôi còn tham gia mở tuyến đường từ Pa Tần (Phong Thổ) đến cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên). Khi báo có máy bay địch thì chúng tôi tản ra, tìm chỗ trú ẩn; máy bay địch ngừng ném bom là chúng tôi lại ra đường đào, cuốc đất đá, lát gỗ, đổ đất lấp hố bom. Bằng lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm, bộ đội, dân công và thanh niên xung phong của ta ngày đêm bám trụ, vừa phá đá mở đường, vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo tuyến đường thông suốt.

Còn cụ Lường Văn Hương (bản Lạnh, xã Tông Lạnh), biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những người dân công hỏa tuyến năm xưa, cụ cười tươi, nhanh nhẹn dẫn chúng tôi vào nhà, chẳng ai nghĩ cụ đã 86 tuổi. Trong câu chuyện của cụ, chúng tôi hình dung được chàng trai trẻ Lường Văn Hương tham gia dân công hỏa tuyến từ tháng 4/1954, khi đó mới chỉ 21 tuổi. Không chỉ tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược, anh còn cùng anh em vận chuyển thương binh từ chiến trường về các Trạm hậu cần để chữa trị. Ngày đó đường đi vô cùng khó khăn, phải xuyên rừng, băng suối, mỗi chuyến hàng, anh Hương gánh được 25 kg, chẳng cần biết ngày hay đêm, cứ cùng anh em miệt mài vận chuyển gạo, lương thực tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. 

Cán bộ Ban CHQS huyện Thuận Châu và xã Phổng Lăng thăm hỏi dân công hỏa tuyến trên địa bàn.

Cùng chúng tôi đến thăm từng gia đình tham gia dân công hỏa tuyến, anh Sùng A Sử, cán bộ Ban CHQS huyện Thuận Châu, bùi ngùi: Những dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong năm xưa nay còn sống đều đã lên chức cụ. Không tránh được quy luật, chắc chỉ hơn chục năm nữa, những câu chuyện, kỷ niệm về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đóng góp công sức cho Tổ quốc của các cụ chắc chỉ còn được nghe truyền lại của thế hệ sau. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm đến chế độ chính sách, chăm lo cuộc sống của những người có công, trong đó có lực lượng dân công hỏa tuyến. Ngoài việc thực hiện chi trả chế độ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm cán bộ tỉnh, huyện và các xã thường xuyên thăm hỏi, động viên những người có công để họ có thêm động lực, sống vui, sống khỏe với con cháu.

Ngày mới trên đèo Pha Đin

Đèo Pha Đin hôm nay đã đổi thay nhiều, nhưng dấu tích của tinh thần, ý chí của bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vẫn còn vẹn nguyên trên cung đường lịch sử. Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ chạy xe từ thị trấn Thuận Châu theo Quốc lộ 6 ngược lên tỉnh Điện Biên, chúng tôi đã có mặt tại đỉnh đèo Pha Đin. Trước đây, đèo Pha Đin dài 32 km và có khoảng gần 130 khúc cua hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô-tô đi qua, thì nay được nâng cấp, chiều dài giảm rút ngắn lại còn 26 km với khoảng 60 khúc cua, độ dốc hạ xuống còn 8%, mặt đường rộng gần gấp 2 lần so với trước. Những cung đường mới mở như dải lụa nối những dãy núi, như gắn kết 2 vùng đất Sơn La - Điện Biên.

Phát triển cây chanh leo ở xã Mường É, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân.

Dừng chân nơi đỉnh đèo, tận hưởng không khí trong lành, phóng tầm mắt về các phía, đâu đâu cũng thấy màu xanh trù phú của cây trái, hiện hữu cuộc sống ấm no. Là địa danh lịch sử, lại được thiên nhiên ưu đãi, người dân nơi đây đã tận dụng những ưu thế đó để phát triển kinh tế, nhất là du lịch; đèo Pha Đin hiện giờ là điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách thập phương. Cách nhau chừng 3 km, khu du lịch “Pha Đin Pass” thuộc sở hữu của người dân tỉnh Điện Biên và khu du lịch “Pha Đin Top” do người dân huyện Thuận Châu (Sơn La) xây dựng không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn tạo nên điểm nhấn trên đèo Pha Đin, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của cung đèo huyền thoại.

Ghé thăm khu du lịch “Pha Đin Top” của HTX Du lịch Pha Đin, chúng tôi ấn tượng về  khu du lịch sinh thái với quy mô hơn 30 ha, gồm rừng sinh thái, vườn hoa, khu tâm linh... mỗi khu lại được đầu tư xây dựng theo cách riêng để đáp ứng nhu cầu của du khách. Ở khu rừng sinh thái là các loại cây đặc trưng của địa phương, với đào, mận, sơn tra... tại đây du khách vừa được tham quan, nghỉ dưỡng, vừa trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hái quả và thưởng thức ngay tại vườn. Cùng với đó là khu vườn hoa được trồng tạo hình đua nhau khoe sắc. Anh Bùi Ngọc Thắng, Giám đốc HTX Du lịch Pha Đin, chia sẻ: Pha Đin không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có yếu tố địa lý độc đáo nên chúng tôi quyết định đầu tư phát triển du lịch. Giờ đây, mỗi khi du khách dừng chân tham quan, tìm hiểu về lịch sử cung đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, còn được giới thiệu về các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, lưu giữ khoảnh khắc bên những vườn hoa sắc màu. Qua đó, chúng tôi đang góp phần lưu giữ, truyền tải những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc.

Năm tháng qua đi, quốc lộ 6, đèo Pha Đin vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng, tiếp tục là con đường huyết mạch giúp tỉnh Điện Biên nối liền giao thương với Sơn La và các tỉnh miền xuôi. Truyền thống cách mạng vẫn đã, đang và sẽ là niềm tự hào, động lực để người dân gắn bó, đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới