Những mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế

Những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Thuận Châu được triển khai sâu rộng, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, đặc biệt trong phát triển kinh tế, góp phần thu hút và phát huy được sức mạnh từ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mô hình trồng chanh leo ở xã Chiềng Pha (Thuận Châu).

Quá trình triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội của huyện ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện thực tế cơ quan, đơn vị, địa phương. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở phát huy năng lực, đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có biện pháp vận động nhân dân làm kinh tế phù hợp nhất. Đến nay, huyện Thuận Châu có 74 mô hình “Dân vận khéo” các cấp, trong đó có 37 mô hình tập thể và 37 mô hình cá nhân.

Liệp Tè là xã vùng 3 của huyện, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng... Được vận động, tuyên truyền về những chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển cây ăn quả, thời gian gần đây, người dân đã đưa cây ăn quả vào trồng trên đất dốc. Ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Liệp Tè, cho biết: Triển khai phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã vận động, tuyên truyền người dân lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện của người dân địa phương để triển khai, nhân rộng như: Trồng xoài, ghép cải tạo nhãn, chăn nuôi trâu, bò... Các mô hình phát huy hiệu quả, tập hợp người dân cùng tham gia phát triển sản xuất, xóa đói nghèo. Điển hình về “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế là mô hình HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, đây là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của huyện Thuận Châu.

Tìm hiểu được biết, mặc dù có tiềm năng lớn về mặt nước lòng hồ, thế nhưng nhiều năm trước, toàn xã chỉ có vài hộ nuôi cá lồng manh mún. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ của huyện Thuận Châu và trực tiếp là cán bộ xã đã tuyên truyền, vận động những gia đình nuôi cá lồng ở Liệp Tè liên kết với nhau để cùng phát triển. Anh Quàng Văn Hợp, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, chia sẻ: Việc thành lập HTX giúp các hộ dân nuôi cá lồng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tính toán chọn lựa nuôi giống cá phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. HTX đã thống nhất liên kết giữa các hộ nuôi là thành viên của HTX ký kết hợp đồng lấy con giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; tuân thủ đúng quy trình nuôi, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và tìm kiếm các thị trường đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX có 47 thành viên với 322 lồng nuôi các loại cá: Rô phi, trắm cỏ, trắm đen, cá chép, lăng, diêu hồng… Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất bán trên 15 tấn cá thương phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên.

Thời gian qua, nhờ được tuyên truyền, vận động mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thuận Châu đã nắm chủ trương của tỉnh, huyện để lựa chọn cây, con đưa vào sản xuất, chăn nuôi cho phù hợp, từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiêu biểu phải kể đến mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất dốc, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel của gia đình chị Lò Thị Dưng ở bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha. Chị Dưng đã vay vốn, liên kết với các HTX để có nguồn cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm thanh long, đầu tư thâm canh 1,5 ha trồng thanh long, ngoài ra còn trồng 5.000 m² cam và gần 2 ha chanh leo, mỗi năm thu trên 300 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động trong bản. Còn gia đình chị Lò Thị Lên ở bản Thẳm B, xã Tông Lạnh đầu tư nuôi bò nhốt chuồng và phát triển kinh doanh dịch vụ, không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động địa phương. Bên cạnh đó, gia đình chị Lên cung cấp con giống và hỗ trợ kỹ thuật cho các gia đình trong bản, xã có nhu cầu nuôi bò nhốt chuồng để từng bước xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo đồng chí Lường Văn Luân, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy Thuận Châu: Phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm và nhân rộng trên các lĩnh vực. Các mô hình dân vận khéo phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương, thể hiện được sự năng động, tích cực của cán bộ, đoàn viên, hội viên trong việc nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước để làm giàu chính đáng. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng, đổi mới các mô hình dân vận khéo, tiếp tục tuyên truyền, triển khai phong trào thi đua đến cán bộ, đảng viên và người dân; gắn nội dung thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thông qua phong trào “Dân vận khéo” ở huyện Thuận Châu đã có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu đa dạng, phù hợp với thực tiễn. Phong trào đã tập hợp được sự đoàn kết, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, cần cù của nhân dân trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đổi thay ở Nặm Giắt

    Đổi thay ở Nặm Giắt

    Kinh tế -
    Về bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, những ngày này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh của những đồi chè, vườn cà phê chín đỏ đang vào vụ thu hoạch. Nặm Giắt hôm nay đã có nhiều đổi thay, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà đã biết cách lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế.
  • 'Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn

    Xã hội -
    Những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Châu đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng, giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân ở nông thôn trên địa bàn.
  • 'Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Nhiều giải pháp chuyển đổi số

    Chuyển đổi số -
    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát Sơn La thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và các hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
  • 'Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Tiếp sức cho học sinh đến trường

    Khoa Giáo -
    Trường THCS Ngọc Chiến, huyện Mường La, tập trung làm tốt công tác nấu ăn bán trú cho học sinh, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng III đặc biệt khó khăn.
  • 'Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng

    Xã hội -
    Những năm qua, công tác khen thưởng của tỉnh không ngừng được đổi mới, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, coi trọng phát hiện, lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, góp phần động viên cổ vũ kịp thời phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực.