Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung và liên kết chế biến, xuất khẩu theo chuỗi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Mô hình nuôi cá lồng của người dân bản Huổi Pản, xã Mường Khiêng.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất với chế biến, tiêu thụ, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu.
Điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp của huyện Thuận Châu là đã chuyển đổi gần 9.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây đem lại năng suất, chất lượng cao; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh hình thành 6 chuỗi liên kết giá trị (xoài, cam, bơ, chanh leo, nhãn, thanh long ruột đỏ). Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả có 3.717 ha, sản lượng 8.000 tấn/năm. Đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cao trong sản xuất, điển hình là mô hình trồng rau an toàn, thanh long hữu cơ, bưởi da xanh, chanh leo, khoai sọ... tại các xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Nậm Lầu. Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, đã xuất khẩu 1.163 tấn chanh leo, 1.831 tấn chè, 2.300 tấn cà phê và hàng trăm tấn xoài, thanh long sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức, Trung Đông, Nga.
Lĩnh vực chăn nuôi, phát triển cả về quy mô và cơ cấu đàn, trong đó tập trung vào khai thác lợi thế vùng để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đồng thời, với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình dự án và sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, nông dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã khai thác tốt mặt nước để phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Toàn huyện hiện có 41 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, một số HTX gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đăng ký nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa, sản xuất theo quy trình VietGAP, tiêu biểu như: HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, HTX Bản Bon, HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận...
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ trên 13 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển sản xuất sản phẩm xoài, cam, bơ, chanh leo, nhãn, thanh long liên kết theo chuỗi giá trị với tổng diện tích trên 900 ha; hỗ trợ 25 tỷ đồng từ nguồn Chương trình 135 thực hiện 88 dự án phát triển sản xuất cho các đối tượng nghèo, cận nghèo. Lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách để triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc với diện tích 85 ha. Ngoài ra, huyện phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển sản xuất và kinh doanh, với tổng dư nợ 1.555 tỷ đồng.
Mục tiêu trong 5 năm tới, Thuận Châu tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả; khuyến khích các doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, chú trọng nâng cao chất lượng nông sản hướng ra xuất khẩu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!