Trở lại bản Kiến Xương, xã Phổng Lái (Thuận Châu), địa bàn từng được coi là “điểm nóng” về tình trạng phá rừng, khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái phép. Khác xa với những hình ảnh, câu chuyện của nhiều năm về trước, đến bản Kiến Xương hôm nay không còn chứng kiến tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản trái phép cùng những đống gỗ tang vật do lực lượng chức năng thu giữ. Thay vào đó là những cánh rừng xanh ngát cùng những câu chuyện thu nhập cao từ rừng...
Trên diện tích đất rừng được giao bảo vệ, gia đình bà Bùi Thị Lục đầu tư trồng thêm xoan, mỡ, tre...
Bản Kiến Xương cách trung tâm Thành phố khoảng 46km, nằm ngay phía bên trái Quốc lộ 6 theo hướng Sơn La-Điện Biện. Ấn tượng đầu tiên khi có mặt ở bản là những diện tích đất trống đồi trọc hay những quả đồi đầy đá tai mèo giờ đã được phủ bởi một màu xanh mướt của những cánh rừng trồng hay rừng do nhân dân khoanh nuôi bảo vệ. Phía dưới các chân núi được các hộ dân tận dụng trồng các loại cây ăn quả hay xen cà phê cùng cây dược liệu.
Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình trồng rừng, trồng xen cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng bản Kiến Xương chỉ tay về phía quả đồi trước mặt được phủ xanh bởi lát, nghiến, phía dưới tán rừng được trồng sa nhân, nói: Toàn bộ 111 ha rừng phòng hộ của bản hơn 20 năm qua chưa để xảy ra cháy rừng. Trong bản không còn tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép. Cán bộ bản so với trước đỡ vất vả hơn nhiều vì không phải lo rừng của bản bị phá nữa, không phải họp dân, thành lập đoàn để tuyên truyền giữ rừng nữa... Toàn bộ rừng đã được giao cho các hộ quản lý, bảo vệ, thay vì giao cho nhóm hộ quản lý như trước đây. Từ ngày giao cho các hộ, rừng của bản đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn. Ngoài việc bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, các hộ còn đầu tư kinh phí trồng rừng và trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng. Như gia đình tôi, được giao quản lý, bảo vệ 3,8 ha rừng. Trên diện tích đó, gia đình đã trồng thêm cây sưa, mỡ, tre được hơn 10 năm. Ngoài ra, còn trồng xen thêm cà phê, sa nhân. Ngoài giá trị kinh tế rừng mang lại, chúng tôi đã phủ xanh được diện tích đất lâm nghiệp từng là đồi núi trọc...
Đến thăm gia đình bà Bùi Thị Lục, một trong những hộ tiêu biểu của bản trong công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và sống được bằng nghề rừng. Qua tìm hiểu được biết: Với quyết tâm và kiên trì của mình, đến nay, gần 19 ha đất rừng được giao quản lý, bảo vệ, gia đình bà Lục đã sống được bằng nghề trồng rừng. Từ chỗ rừng được giao quản lý, bảo vệ ít giá trị kinh tế, thì nay gia đình bà đã phủ xanh trên diện tích này hơn 3.000 cây gỗ nghiến với chu vi từ 7cm đến 30cm và trên 3 ha cây tếch, lát, phặng, xoan. Gia đình bà còn trồng xen dưới tán rừng 7 ha sa nhân, 1,2 ha cà phê và trồng dưới chân núi trên 3 ha cây ăn quả các loại. Bà Lục chia sẻ: Từ thực tế bao nhiêu năm gắn bó với rừng cho thấy, chủ trương giao đất giao rừng cho từng hộ, cá nhân là hợp lý. Bởi chỉ khi rừng giao cho từng hộ thì khi đó trách nhiệm mới được nâng cao hơn, có ý thức hơn. Như gia đình tôi còn thuê thêm cả người, trang bị hệ thống liên lạc để giám sát các hoạt động ra vào rừng, đảm bảo rừng không bị xâm lấn. Cũng như các hộ trong bản, ngoài mục đích phủ xanh rừng, chúng tôi còn hướng tới việc hình thành một khu du lịch sinh thái tại đây, để người dân ai cũng có thể tham gia bảo vệ rừng và sinh kế được từ rừng...
Được biết, trong bản Kiến Xương còn rất nhiều hộ tiêu biểu trong công tác quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Các hộ trong bản ai cũng muốn được giao thêm rừng để quản lý, bảo vệ vì ngoài được chi trả tiền khoanh nuôi rừng hàng năm, các hộ còn tạo được thêm thu nhập từ nghề trồng rừng, trồng xen cây ăn quả, dược liệu dưới tán rừng. Ông Bùi Xuân Xá, người được giao quản lý, bảo vệ gần 25 ha rừng từ năm 2002, đến nay, ngoài việc phủ xanh được rừng, không để xảy ra cháy rừng hay xâm lấn đất rừng, gia đình ông còn là một trong những người tiên phong khi tự bỏ vốn mua cây giống hay tự nhân giống cây để phủ xanh vào diện tích đất lâm nghiệp do nhà nước giao quản lý, bảo vệ. Hiện tại, ông Xá đã cùng gia đình trồng, bảo vệ trên 1.000 cây nghiến đã phát triển với chu vi từ 7cm đến 25cm. Ông còn tự mày mò nhân giống trồng được trên 300 cây tếch từ năm 1997, 300 cây phặng từ năm 2005; tự bỏ vốn mua 200 cây xoan về trồng từ năm 2004, năm 2014 trồng gần 1.200 cây lát, nâng tổng số lát đã trồng từ năm 2007 lên hơn 2.000 cây. Ông Xá, khẳng định: Trước đây, giao đất giao rừng cho nhóm hộ nên việc quản lý, bảo vệ không hiệu quả. Từ khi rừng được giao cho từng hộ thì rừng được bảo vệ tốt hơn, các hộ có trách nhiệm hơn... Để có thể sống được bằng nghề rừng. Các hộ trong bản chỉ mong nhà nước giao thêm đất rừng để quản lý và bảo vệ, vì lợi ích của việc quản lý, bảo vệ rừng mang lại là rất lớn.
Bất kỳ ai đã từng đến xã Phổng Lái nói chung, bản Kiến Xương nói riêng, nếu có dịp trở lại nơi đây đều không khỏi ngạc nhiên, bởi trước đó, nơi đây từng là địa bàn được nhắc tới khá nhiều khi cấp ủy, chính quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán và cất giữ lâm sản trái quy định. Có những năm, xã phải giải quyết và xử lý từ 40 đến 50 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Cũng chính vì vậy mà nơi đây đã từng phải tổ chức một cuộc vận động toàn dân bảo vệ rừng với quy mô không khác gì tuyên truyền phòng, chống ma túy... Bên cạnh đó, việc người dân nơi đây tự đầu tư kinh phí trồng rừng, mang lại màu xanh cho đất rừng mà nhà nước giao làm chủ là việc làm không phải cơ sở nào cũng có thể làm được.
Qua câu chuyện giữ rừng ở bản Kiến Xương cho thấy, lợi ích của việc giao đất, giao rừng đã phát huy hiệu quả, toàn bộ 111 ha đất rừng sau khi được giao cho từng hộ dân, đã được bảo vệ tốt hơn, hàng năm diện tích rừng đều tăng do người dân tự trồng. Người dân cũng được hưởng lợi từ chính những cánh rừng mà mình được giao làm chủ. Có thể khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và là cách làm hay để các cơ sở khác trong tỉnh áp dụng và làm theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!