Đổi thay ở bản Co Mạ

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu), dọc hai bên đường là nương đồi được phủ màu xanh của cây sa nhân, cây ăn quả, cây sơn tra... Cuộc sống của người dân ở bản Co Mạ đã đổi thay từng ngày nhờ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, sự đoàn kết, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong bản để xây dựng bản làng ngày càng phát triển.

 

Người dân bản Co Mạ, xã Co Mạ phát triển nuôi cá hàng hóa.

Vượt qua mấy con dốc, chúng tôi có mặt tại trang trại của gia đình anh Và Giống Hờ, bản Co Mạ, thật bất ngờ khi giữa những núi đồi trùng điệp lại xuất hiện một trang trại được xây dựng rất khoa học để trồng ngô, trồng cỏ voi, lúa nước; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào ao thả cá. Kể về quá trình làm trang trại của mình, anh Hờ cho biết: Trang trại của gia đình rộng 6 ha, ngày trước, chỉ biết trồng lúa nương theo kiểu “chọc lỗ tra hạt”; đất đồi dốc nên bị xói mòn, bạc màu, năng suất lúa thấp, quanh năm thiếu đói. Được cán bộ khuyến nông huyện, cán bộ xã tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi bàn với gia đình chuyển đổi sang trồng ngô lai để bán và lấy thức ăn phục vụ chăn nuôi. Tận dụng nguồn nước có sẵn khai hoang hơn 1.000 m² ruộng bậc thang để trồng lúa nước và đào hơn 2.000 m² ao để thả cá. Hằng năm, gia đình bán ra thị trường hơn 20 tấn ngô bắp; 2-3 con trâu, bò; 1 tấn cá và hàng tạ gia cầm, thu nhập trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi bắt đầu trồng hơn 1 ha chanh leo, hiện diện tích chanh leo phát triển tốt và đã bói quả.

Đưa chúng tôi đến thăm một số mô hình kinh tế trồng cây sơn tra, cây sa nhân, trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi gà đen bản địa, nuôi trâu, bò nhốt chuồng, kinh doanh hàng hóa tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao ở bản, ông Và Nỏ Vừ, Trưởng bản Co Mạ cho biết: Bản Co Mạ có 81 hộ, với hơn 70% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, các hộ sống phân tán mỗi hộ một quả đồi nên Nhà nước muốn hỗ trợ cũng khó. Bây giờ, đường vào bản, vào ngõ đã có, Nhà nước đã đầu tư cho bà con đường, nước sạch để dùng, nhà văn hóa để bà con tập trung sinh hoạt... Ngoài ra, bà con đồng bào Mông còn được chính quyền các cấp tuyên truyền loại bỏ những hủ tục lạc hậu và nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...

Tìm hiểu được biết, trong phát triển kinh tế, bà con áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh cây trồng đúng khung thời vụ; tuyên truyền vận động nhân dân đưa cây sa nhân, cây sơn tra, cây ăn quả vào trồng trên diện tích ngô, lúa nương hiệu quả thấp; tập trung trồng cỏ voi phát triển chăn nuôi theo hướng nhốt chuồng; bảo vệ và phát triển nghề trồng rừng. Đến nay, bà con trong bản đã đưa các loại giống mới thâm canh 100 ha ngô, năng suất đạt 6,5 tấn/ha; 12 ha lúa nước 2 vụ. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn đầu tư của huyện theo chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân trong bản đã mạnh dạn đăng ký trồng chanh leo với tổng diện tích 5 ha, hiện cây phát triển tốt; triển khai trồng thí điểm 3 ha cây xoài, cây nhãn. Đặc biệt, 5 năm trở lại đây, người dân trong bản phát triển mạnh cây sơn tra với tổng diện tích hơn 40 ha và hầu hết các hộ đều trồng, hộ trồng ít từ 1.000 m2 đến 2.000 m2, hộ trồng nhiều nhất hơn 2 ha đã giúp người dân có thêm thu nhập đáng kể mà không tốn nhiều công sức, vốn đầu tư phân bón, cây giống... Không những vậy, bà con còn nâng cao ý thức bảo vệ tốt 145 ha rừng hiện có, trồng 8 ha cây sa nhân đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 7 tấn/ha.

Bên cạnh đó, nhờ sự chuyển đổi tập quán chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của bản ngày một phát triển. Đến nay, cả bản có 320 con trâu, bò; 1.000 con lợn trên 2 tháng tuổi và gần 2.000 con gia cầm; 6 ha ao cá. Nguồn thu từ chăn nuôi hằng năm mang lại giá trị kinh tế không nhỏ, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ trong bản. Đến nay, cả bản có 8 hộ kinh tế giàu; hơn 23 hộ có kinh tế khá, tỷ lệ hộ nghèo ở bản năm 2018 giảm được 6 hộ. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bản đã tuyên truyền vận động nhân dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới; góp công sức, vật liệu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, bản đã đóng góp hơn 2.000 ngày công lao động bê tông hóa 40% các ngõ từ đường trục chính vào từng hộ gia đình; đóng góp 20 triệu đồng làm Nhà văn hóa bản.

Tạm biệt bản Co Mạ, chúng tôi mong lần sau trở lại sẽ còn được chứng kiến thêm nhiều sự đổi thay trên mảnh đất này.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới