Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu

Trên mảnh ruộng rộng 1.000 m² ở bản Kéo Pháy, xã Bon Phặng (Thuận Châu), hàng chục hộ nông dân tham gia Hội thảo đầu bờ, được tận mắt chứng kiến ruộng lúa nếp 87 trồng thử nghiệm theo mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu (SRD). Cây lúa cứng, chống đổ tốt, bông lúa to, dài, hạt mẩy, thu hoạch đạt năng suất tương đương 6,9 tấn/ha, cao hơn 1,9 tấn so với mảnh ruộng đối chứng được gieo cấy và thâm canh theo phương pháp truyền thống.

Các đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa thông minh

ứng phó với biến đổi khí hậu (SRD) tại xã Bon Phặng (Thuận Châu).

Mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, được tài trợ bởi Tổ chức bánh mì thế giới và được Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện tại xã Bon Phặng và xã Muổi Nọi (Thuận Châu) từ vụ lúa xuân 2018 đến nay. Thực hiện mô hình, bà con được hướng dẫn sử dụng cây mạ 2-2,5 lá để cấy 1 cây/khóm thẳng hàng với mật độ (50 khóm/m2); khoảng cách 15cm (hàng hẹp) x 30cm (hàng rộng); bón lót trước khi cấy bằng phân chuồng và phân lân; bón thúc cho lúa bằng phương pháp sử dụng phân nén dúi sâu dưới đất từ 5-8cm ở giữa 4 khóm lúa thời kỳ làm cỏ, phá váng.

Qua mô hình, người nông dân được nghe nhóm thực hiện phân tích và so sánh chi tiết chi phí đầu tư, năng suất, giá thành và hiệu quả kinh tế của ruộng mô hình với ruộng đối chứng. Với diện tích 1.000 m² thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu (SRD), cây lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, chống đổ tốt và đặc biệt là chi phí ít hơn so với phương pháp cấy lúa thông thường. Cụ thể, với 1.000 m² đưa vào trồng thí điểm theo phương pháp này đã giảm được 3 kg hạt giống, tương đương 90 nghìn đồng; giảm 180 nghìn đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; năng suất lúa cao hơn 1,9 tạ và lợi nhuận cao hơn 520 nghìn đồng/1.000 m² (tương đương 5,2 triệu/1 ha).

Anh Bùi Quốc Quân, cán bộ của Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) cho biết: Mục tiêu của chương trình là giúp nông dân sản xuất lúa tiết kiệm, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; tận dụng phế phẩm nông nghiệp để làm phân hữu cơ bón cho lúa, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học và hóa chất diệt cỏ... Cùng với đó, chương trình còn mong muốn nông dân khôi phục các giống lúa địa phương để sản xuất mà không bị phụ thuộc vào các giống lúa lai như hiện nay.

Chị Bạc Thị Biển, bản Kéo Pháy, xã Bon Phặng nói: Chúng tôi được cán bộ dự án tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật băm ủ rơm, cây xanh làm phân hữu cơ để bón lót và gieo cấy lúa ngay ở ruộng, giúp chúng tôi dễ tiếp thu kiến thức, quy trình sản xuất lúa theo phương pháp mới hiệu quả, thuyết phục được mọi người từ kết quả sau 3 vụ gieo cấy lúa ở bản. Tuy nhiên, để vận động, hướng dẫn những người cao tuổi gieo cấy lúa theo phương pháp mới cũng còn nhiều khó khăn, bởi mọi người vẫn quen sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống.

Qua tìm hiểu được biết, dự án đã thực hiện những mô hình cụ thể để so sánh với cách làm thông thường của bà con ở địa phương qua 3 vụ lúa, nhưng đến nay vẫn ít người dân thay đổi tư duy và áp dụng gieo cấy lúa theo phương pháp mới; vẫn còn nhiều nông dân trong bản để mạ 3-4 lá mới cấy và cấy mỗi khóm nhiều cây mạ; mật độ cấy dày hơn 50 khóm/m²; bà con ít sử dụng phân hữu cơ mà chủ yếu phụ thuộc phân hóa học để bón cho lúa, dẫn đến đất nhanh bị trai cứng, bạc màu, cây lúa chống chịu sâu bệnh kém và hay bị đổ...

Trong thời gian tới, mong rằng những nông dân tham gia mô hình sẽ là những tuyên truyền viên tích cực vận động, hướng dẫn người dân trong bản, xã, huyện nhân rộng mô hình gieo, cấy lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần đạt hiệu quả kinh tế cao hơn và bảo vệ môi trường bền vững.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới