Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Co Mạ (Thuận Châu) được ví như là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Việc triệt phá cây thuốc phiện, tìm hướng “trồng cây gì, nuôi con gì” để thay thế là câu hỏi cả một thời gian dài đầy trăn trở tìm câu trả lời. Với sự quan tâm về mọi mặt của Đảng, Nhà nước, cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây ngày một cải thiện, diện mạo Trung tâm cụm 6 xã vùng cao Thuận Châu đã và đang thay đổi rõ nét.
Một giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Co Mạ 1, xã Co Mạ (Thuận Châu).
Quá khứ đói nghèo...
Xuyên màn sương mù, vượt những con dốc đứng, chúng tôi đến bản Pha Khuông, xã Co Mạ để tìm gặp ông Vừ Súa Ly - già làng có uy tín của xã. Trong ngôi nhà gỗ mộc mạc, ông Ly dù đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, kể chúng tôi nghe một thời quá khứ chưa xa, với biết bao những buồn vui, thăng trầm trên vùng đất Co Mạ này. Ông Ly bảo, nơi đây từng một thời được coi như “thánh địa” của cây thuốc phiện, mặc dù cái chất nhựa đen đen ấy mang toàn những cái xấu về bản. Nạn nghiện hút hoành hành, thanh niên trai tráng thay vì làm việc thì chỉ say sưa với bàn đèn, khói thuốc, mọi công việc từ nhỏ đến lớn đều phó thác cho những người phụ nữ. Cũng vì thế mà gần hết người dân đều không có cái chữ trong đầu. Tập quán sản xuất thì trông chờ trời đất, phụ thuộc cái nương, cái rẫy, chỉ tự túc, tự cấp nên đời sống vô cùng khó khăn. Hủ tục lạc hậu bao trùm, người dân chỉ quen du canh du cư, rồi tảo hôn, thách cưới bằng bạc trắng, để người chết trong nhà nhiều ngày và mổ nhiều trâu, bò khi làm lễ...; cây thuốc phiện đã làm cho cuộc sống của người dân trên lưng trời này vốn đã nghèo đói lại càng trở nên khốn khó, túng quẫn.
Và, hình ảnh Co Mạ những ngày gian khó càng thêm rõ mồn một qua câu chuyện của cụ Lò Văn Ó, nguyên Bí thư huyện ủy Thuận Châu. Đã ngoài 80 tuổi, nhưng cụ vẫn minh mẫn, nhớ như in những ký ức bĩ cực của đất và người Co Mạ một thời. Theo lời cụ, thập niên 80 của thế kỷ trước, đất Co Mạ chỗ nào cũng thấy những nương thuốc phiện. Khi cây lúa, cây ngô trên nương ngả màu vàng cũng là lúc những hạt mầm loài cây “chết người” được gieo xuống. Có thời điểm, cây thuốc phiện còn được trồng tràn lan, chiếm chỗ những nương ngô, nương sắn. Bởi thế, bao nhiêu trâu, bò cũng bán hết; bao nhiêu thanh niên trai tráng trong các bản bị “nàng tiên nâu” quyến rũ, gây bao hệ lụy cho bản làng.
Thật may mắn, ánh sáng từ các quyết sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đã soi rọi đường đi cho bà con vùng cao. Cả tỉnh đồng loạt, tập trung phát động triệt phá cây thuốc phiện ở khắp các địa phương, trong đó có Co Mạ. Cùng với đó là những chính sách đặc biệt dành cho vùng cao, như đầu tư khai mở đường giao thông; xây dựng các công trình cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân các dân tộc; lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác... đưa vào sản xuất, ổn định cuộc sống bà con. Sau nhiều năm, những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân Co Mạ đã có được kết quả, diện mạo Co Mạ dần thay da đổi thịt, cây thuốc phiện, hủ tục lạc hậu và đói nghèo bị đẩy lùi vào quá khứ, nhân dân thêm tin Đảng, Nhà nước, đoàn kết xây dựng bản làng.
Là người nhiều năm liền giữ các cương vị chủ chốt ở Co Mạ, ông Giàng Nhìa Súa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ, chia sẻ: Để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tập thể cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bà con nhân dân đẩy mạnh khai hoang phục hóa, thâm canh tăng vụ, tận dụng mọi nguồn đất để sản xuất. Chủ động chuyển đổi những chân ruộng hạn trồng lúa không hiệu quả sang trồng ngô hoặc các loại cây màu. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, triển khai các lớp tập huấn kiến thức sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng giống mới cho năng suất cao; khuyến khích người dân tích cực thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất..., nhờ đó thu nhập của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống nâng lên.
... và bước chuyển mình
Ở Co Mạ, bà con vẫn kể câu chuyện anh Thào A Tủa, đã làm được việc lớn, quan trọng chỉ sau 1 năm được phân công về làm Bí thư Đảng ủy xã Co Mạ. Cùng là đồng bào dân tộc Mông nên anh Tủa hiểu cái khó, cái khổ cũng như nỗi niềm của người dân ở các xã vùng cao nói chung, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông ở xã Co Mạ muốn vượt lên thoát nghèo, tìm hướng phát triển kinh tế. Với phương châm lời nói đi đôi với việc làm, anh Tủa luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ khó khăn với người dân, vận động bà con đưa cây chanh leo vào trồng thành công ở Co Mạ. Điều này không đơn giản, bởi đồng bào dân tộc Mông từ lâu quen với tập quán sản xuất thuần nông, chủ yếu trồng các loại cây đòi hỏi ít kỹ thuật, dễ chăm sóc. Thế nên, ngay từ khi các hộ dân xuống giống cây chanh leo, anh Tủa mời bà con tập trung tại xã để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân, cắt tỉa, làm giàn... rồi khi bà con trồng, anh đến từng vườn hướng dẫn, kiểm tra quy cách trồng của bà con bảo đảm đúng kỹ thuật. Ngày trồng, diện tích, địa điểm của từng hộ gia đình trồng chanh leo trên địa bàn xã anh Tủa thuộc lòng.
Đảng ủy xã Co Mạ họp triển khai nhiệm vụ quý II, năm 2019.
Anh Tủa không chỉ là người tiên phong đưa cây chanh leo về trồng ở Co Mạ mà còn là cả huyện Thuận Châu. Năm 2017, khi đang công tác tại Ban Dân tộc huyện, được đi tham quan nhiều mô hình trồng chanh leo hiệu quả tại các địa phương, trăn trở làm thế nào để bà con mình cũng trồng cây chanh leo và “làm giàu” được như người dân các nơi, anh liền chủ động nghiên cứu các tài liệu về chăm sóc và phòng bệnh cho cây chanh leo và trực tiếp xin ý kiến lãnh đạo huyện mời các kỹ sư của Công ty cổ phần HLC, có trụ sở tại Hà Nội, đó là Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, trực tiếp lên tư vấn cho gần 100 hộ dân trồng chanh leo cách thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững và việc sử dụng các dòng sản phẩm sinh học hữu cơ phòng trừ các loại bệnh cho cây chanh leo, cũng như một số loại cây trồng khác, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và người sản xuất. Sau nhiều nỗ lực cố gắng cùng với chính quyền địa phương, cây chanh leo đã nhanh chóng phát triển và trở thành cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Co Mạ.
Ông Vừ Xuân Hồ, bản Pha Khuông, một trong những gia đình tiên phong trồng cây chanh leo ở Co Mạ, vui vẻ: Trước đây, nhà tôi chỉ trồng các loại cây dễ chăm sóc, như: Ngô, dong riềng, sơn tra... Năm 2018, được cán bộ xã vận động trồng cây chanh leo, chính Bí thư Đảng ủy xã Thào A Tủa trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Thế là 1 ha chanh leo năm ngoái khi thu bói nhà tôi được trên 20 triệu đồng. Hiện chanh leo nhà tôi vẫn phát triển tốt, nếu điều kiện thuận lợi thì dự kiến năm nay sẽ thu được trên 200 triệu đồng. Thời gian tới tôi sẽ tham gia cùng với xã vận động người dân trong xã, bản chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây chanh leo để nâng cao thu nhập, xóa đói nghèo.
Được biêt, năm 2018, riêng Thuận Châu đã xuất trên 700 tấn chanh leo sang thị trường Trung Quốc, Pháp..., đóng góp không nhỏ vào giá trị xuất khẩu nông sản của huyện.
Co Mạ hôm nay
Những ngày ở Co Mạ, chúng tôi được chứng kiến không biết bao nhiêu đổi thay. Tại khu vực trung tâm xã, dọc hai bên đường bây giờ là những ngôi nhà tầng khang trang như một thị tứ thu nhỏ, hàng quán san sát bày bán đủ loại hàng hóa, cuộc sống của người dân đã sôi động hơn hẳn trước đây. Đi đâu cũng nhận thấy niềm vui của bà con khi có điện thắp sáng, có ti vi để xem, có nước sinh hoạt đến tận nhà, nhà nào cũng có xe máy. Nhiều công trình hạ tầng cơ sở, đường giao thông, công trình nước sạch, nhà học cắm bản được Nhà nước đầu tư, bên cạnh đó là việc hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo... tạo động lực thúc đẩy cho bản làng vùng cao thêm đổi mới. Ông Vừ Súa Ly, phấn khởi: Các hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ rồi, các dân tộc anh em đoàn kết chung sống, mức thu nhập của người dân năm sau cao hơn năm trước, hệ thống chính trị được giữ vững, không để xảy ra tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Việc trồng cây ngô lai, làm ruộng nước, trồng cây ăn quả... nay không còn là chuyện xa lạ nữa. Từ khi có tuyến đường đi qua bản, có chợ phiên, nay lại có thêm chợ gia súc nữa, nhiều người đã dựng nhà làm quán bán hàng, bây giờ cần mua thứ gì cứ ra chợ trung tâm là có.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thào A Tủa hướng dẫn người dân bản Pha Khuông, xã Co Mạ chăm sóc cây chanh leo.
Kinh tế, xã hội từng bước phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng lên, ổn định là điều kiện, tiền đề để người dân ở Co Mạ tích cực giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Theo anh Thào A Tủa, tư tưởng, nhận thức của người dân trên địa bàn xã đã có sự chuyển biến, thay đổi đáng kể, nếu trước đây nhiều người thường “làm ngơ” trước tình trạng vi phạm pháp luật, thì nay công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội được triển khai tích cực, huy động được người dân tích cực tham gia, xây dựng bản làng yên vui. Song dù vậy, bao trăn trở vẫn còn đó bởi đời sống của người dân ở Co Mạ vẫn chưa hết khó khăn, cả xã hiện còn 855 hộ nghèo, chiếm 68,13%, (790 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, 65 hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, 103 hộ cận nghèo...) đang là những vấn đề đặt ra ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thì sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc là yếu tố quyết định để Co Mạ vươn lên xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của 6 xã vùng cao Thuận Châu.
Rời Co Mạ khi ánh điện bừng sáng trên các bản, trong từng nhà. Co Mạ hôm nay đã đổi thay rất nhiều, chúng tôi hiểu với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của các dân tộc, Co Mạ sẽ nhanh chóng phát triển, cuộc sống của người dân sẽ thêm no ấm, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!