Co Mạ là xã vùng cao của huyện Thuận Châu, ở nơi “cổng trời” ấy, có một “thủ lĩnh” với nhiều cách nghĩ, cách làm mới, dẫn dắt bà con thay đổi tư duy, bỏ những tập tục lạc hậu, cách sản xuất cu để xây dựng quê hương, bản làng ngày càng no ấm hơn.
Một góc trung tâm xã Co Mạ hôm nay.
Chúng tôi trở lại Co Mạ, từ thị trấn Thuận Châu theo tỉnh lộ 108 vượt những con đèo với những khúc cua tay áo vòng vèo. Qua khu rừng già là khung cảnh mây trắng bồng bềnh ôm lấy những đỉnh núi trập trùng, bên triền đồi xanh ngắt màu xanh của những nương ngô, sắn xen lẫn cây ăn quả là những mái nhà thấp thoáng... Bí thư đảng ủy xã Thào A Tủa đón chúng tôi với ánh mắt sáng và nụ cười thân thiện. Sinh ra ở xã Long Hẹ - miền quê giàu truyền thống cách mạng, anh Tủa luôn mong muốn đưa đồng bào dân tộc ở vùng cao thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, những năm học tập dưới mái Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh và các trường chuyên nghiệp, anh luôn cố gắng học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, anh Tủa về nhận công tác tại Điện lực Thuận Châu, rồi chuyển qua nhiều vị trí công tác tại Ủy ban Kiểm tra huyện ủy, Phòng Dân tộc. Năm 2018, anh được Ban Thường vụ huyện ủy Thuận Châu giao trọng trách Bí thư đảng ủy xã Co Mạ.
Là xã vùng cao với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Co Mạ trước đây là “thủ phủ” của cây thuốc phiện, các tập tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến cái đói, cái nghèo đeo bám cuộc sống nơi đây. Nhưng với sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều công trình hạ tầng cơ sở, đường giao thông, công trình nước sạch, nhà học cắm bản được Nhà nước đầu tư, bên cạnh đó là việc hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo... tạo động lực thúc đẩy cho bản làng vùng cao thêm đổi mới. Những thay đổi đó đã tạo tiền đề để phát huy sự năng động, sáng tạo của Bí thư đảng ủy xã Thào A Tủa.
Nhấp chén chè nóng, anh kể về kỷ niệm ngày đầu lên nhận công tác tại xã Co Mạ. Tháng 7/2018, ngay sau khi nhận công tác, việc đầu tiên của anh là sắp xếp thời gian gặp gỡ với người dân bản Pá Chả, Pá Pháy, đây là 2 bản chưa có điện lưới quốc gia, bà con đang bức xúc vì năm 2015, trong một lần làm việc với 2 bản, lãnh đạo xã đã thông tin với bà con, trong năm sẽ kéo đường điện, vậy mà đã hơn 3 năm trôi qua, điện vẫn chưa thấy đâu. Tiếp mạch câu chuyện, anh Tủa kể: Hôm mình vào làm việc với người dân 2 bản Pá Chả, Pá Pháy có rất đông người dân tập trung đợi sẵn. Biết bà con có nhiều tâm tư, mình đề nghị lần lượt từng người nói. Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của bà con, mình đã giải thích cho bà con rằng: Đảng, Nhà nước rất quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số, đã đầu tư nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa. Song cũng cân đối nguồn vốn từng bước hoàn thiện đồng bộ các công trình. Xã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của bà con để trình các cấp thẩm quyền quan tâm đầu tư hệ thống điện sớm nhất cho bà con.
Tưởng như mọi chuyện đã tốt đẹp khi đường điện đã về đến 2 bản, nhưng rồi, người dân 2 bản lại yêu cầu phải đền bù điện tích đất dựng cột điện, nếu không sẽ không cho đường điện đi qua. Một lần nữa, anh Tủa lại phải trực tiếp xuống phân tích, vận động người dân hiến đất làm đường điện để sớm “đón” điện lưới về. Anh bảo, chẳng dễ dàng chút nào, nên trước hết, anh tìm cách vận động các già làng, người có uy tín, trưởng bản gương mẫu thực hiện trước, tạo sự thống nhất trong con cháu trong dòng họ, người dân cùng làm, nhờ đó, đường điện nhanh chóng được triển khai thi công và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2019.
Đồng chí Thào A Tủa (người ngoài cùng bên phải) cùng Đảng ủy, HĐND, UBND xã Co Mạ tổ chức
“Quầy hàng miễn phí” cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Còn ở bản Chả Lạy B, câu chuyện về cây cầu được bà con nhắc đến là nhờ công của Bí thư Đảng ủy xã. Hỏi về chuyện này, anh Tủa kể lại: Từ chuyến đi xe máy vào bản đúng hôm trời mưa, đoạn đường vốn đã trơn trượt khó đi khi mưa xuống khiến nhiều chỗ bị sạt lở, xe máy cũng chịu nên đành phải đi bộ, nhớ nhất là cây cầu bằng tre của người dân tự làm không đảm bảo an toàn. Thấy bà con ở đây đi lại vất vả, tôi đã kêu gọi, huy động các nguồn lực từ các nhà hảo tâm cùng với sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cây cầu.
Từ khi có cây cầu mới, người dân yên tâm đi lại kể cả trong mưa gió, nhất là việc trẻ em đến trường dễ dàng hơn, xe ô tô giờ vào được tận nương để chở phân bón, thu mua nông sản cho người dân. Phấn khởi khi có cây cầu mới, anh Và A Chá, ở nhóm 2, bản Chả Lạy B, nói: Không chỉ kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ nguồn vốn để làm cầu, anh Tủa còn trực tiếp xuống giám sát, kêu gọi người dân trong bản góp công, góp sức, thế nên chỉ trong thời gian ngắn, cây cầu hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân trong bản ai cũng phấn khởi.
Chuyện về “Bí thư Tủa” không chỉ có vậy, quan trọng hơn là anh có sức ảnh hưởng lớn trong việc làm thay đổi nếp nghĩ, tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào dân tộc ở Co Mạ. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông Vừ Súa Ly, ở bản Pha Khuông - già làng có uy tín của xã thẳng thắn nhận xét: Bí thư Tủa là người cán bộ gương mẫu từ lời nói đến việc làm, luôn đặt lợi ích của người dân lên trước. Đã có rất nhiều cán bộ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất thủ công lâu đời, đưa các loại cây trồng mới hiệu quả vào gieo trồng, thế nhưng nói xong thì đâu lại vào đấy, bà con vẫn sản xuất theo lối cũ. Chỉ đến khi A Tủa đi tuyên truyền, cái gì khó thì A Tủa tiên phong làm trước, thấy có hiệu quả rồi thì mới hướng dẫn bà con làm theo, nhờ đó mà giờ đây trong bản, trong xã đã có nhiều hộ gia đình đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất trên nương, cây ngô, cây sắn cũng được sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước kia. Ở Co Mạ bây giờ, việc trồng cây ngô lai, làm ruộng nước, trồng cây ăn quả... không còn là chuyện xa lạ nữa, nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên, đất đai để hình thành các trang trại, chuỗi sản xuất hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Đồng bào dân tộc Mông từ lâu quen với tập quán sản xuất thuần nông, chủ yếu trồng các loại cây đòi hỏi ít kỹ thuật, dễ chăm sóc. Thế nên, việc anh Tủa vận động bà con dân tộc đưa cây chanh leo vào trồng thành công ở Co Mạ cũng không phải điều đơn giản. Anh lại phải tiên phong đi đầu, trồng thử nghiệm cây chanh leo để đánh giá hiệu quả rồi mới nhân rộng ra cho bà con. Anh mời bà con tập trung tại xã để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân, cắt tỉa, làm giàn, chăm sóc. Rồi đến khi chanh được thu hoạch, anh lại đi tìm đến các công ty, HTX để thu mua chanh cho người dân. Hiện, toàn xã đã trồng 10 ha chanh leo, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây ngô, bà con đang tích cực nhân rộng thay thế diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả.
Anh Vừ Xuân Hồ, bản Pha Khuông, một trong những gia đình tiên phong trồng cây chanh leo ở Co Mạ, vui vẻ: Trước đây, nhà tôi chỉ trồng các loại cây dễ chăm sóc, như: Ngô, dong riềng, sơn tra... Năm 2018, được cán bộ xã vận động trồng cây chanh leo, chính Bí thư Đảng ủy xã Thào A Tủa trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Thế là 1 ha chanh leo năm ngoái khi thu bói nhà tôi được trên 20 triệu đồng. Hiện, chanh leo nhà tôi phát triển tốt, nếu điều kiện thuận lợi thì dự kiến năm nay sẽ thu được trên 150 triệu đồng. Hiệu quả từ cây trồng mới đã rõ, thời gian tới, tôi sẽ vận động thêm nhiều người dân trong xã, bản trồng cây chanh leo để nâng cao thu nhập, xóa đói nghèo.
Qua những câu chuyện, chia sẻ của người dân nơi đây mới thấy, làm công tác dân vận đã khó, làm dân vận ở đồng bào dân tộc vùng cao lại càng khó hơn. Chỉ khi người cán bộ thực sự có tâm, có tầm và được lòng dân thì mới thay đổi được những điều tưởng chừng như không thể. Cách mà lãnh đạo xã Co Mạ phát huy tốt vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng đi đầu trong việc xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, thay đổi tập quán sản xuất, đưa các loại cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo cuộc sống đồng bào vùng cao. Minh chứng rõ nhất cho sự đổi thay nơi đây thể hiện qua những con số, nếu như năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo 72,84% thì đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 68%. Tính đến hết tháng 6 năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 60,3%; diện tích cây trồng các loại vượt kế hoạch từ 120% đến 250%, xã đạt 8 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tăng gấp 4 lần so với năm 2016.
Co Mạ hôm nay đang thay da đổi thịt, tại khu vực trung tâm xã, dọc hai bên đường bây giờ là những ngôi nhà tầng khang trang như một thị tứ thu nhỏ, hàng quán san sát bày bán đủ loại hàng hóa, cuộc sống của người dân đã sôi động hơn hẳn trước đây. Đi đâu cũng nhận thấy niềm vui của bà con khi có điện thắp sáng, có ti vi để xem, có nước sinh hoạt đến tận nhà, nhà nào cũng có xe máy. Nhiều công trình hạ tầng cơ sở, đường giao thông, công trình nước sạch, nhà học cắm bản được Nhà nước đầu tư, bên cạnh đó là việc hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo đã tạo động lực thúc đẩy cho bản làng vùng cao thêm đổi mới. Chia tay Co Mạ, chúng tôi mong rằng, những cách làm hay, sáng tạo của Bí thư Đảng ủy xã Thào A Tủa cũng như cấp ủy, chính quyền xã Co Mạ sẽ ngày càng được nhân lên để góp phần đổi thay cuộc sống đồng bào nơi vùng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!