Chế biến, bảo quản sau thu hoạch - giải pháp căn cơ và bền vững

Những năm gần đây, cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, việc bảo quản và chế biến nông sản cũng đang được các địa phương và người dân đặc biệt quan tâm, góp phần tạo ra những sản phẩm đa dạng, giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao.

                      

           

Dây chuyền sản xuất hoa quả tươi của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Ảnh: PV

           

Anh Lò Văn Duyên, Giám đốc HTX Cao Nguyên, xã Hát Lót (Mai Sơn), cho biết: Sản phẩm rau, củ, quả dễ bị dập nát, hư hỏng. HTX đã đầu tư trên 700 triệu đồng xây dựng kho lạnh rộng 200m², sức chứa tối đa trên 50 tấn nông sản. Với 10 ha đất trồng xoài, bưởi, nhãn và xen canh các loại rau theo quy trình VietGAP, mỗi năm, HTX thu hoạch hơn 100 tấn bí đao, 70 tấn bắp cải, 40 tấn bí đỏ và trên 30 tấn rau, quả khác; tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động địa phương. Hiện, HTX đã kết nối với 3 công ty thu mua nông sản ở Sơn La, Hà Nội, Bắc Ninh tiêu thụ toàn bộ nông sản của HTX, vì vậy, việc đầu tư kho lạnh để bảo quản rau, củ của HTX là rất cần thiết. Việc chú trọng khâu bảo quản, có sự kết nối với doanh nghiệp đã giúp giá trị nông sản tăng gấp nhiều lần.

           

Đối với HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu), đơn vị tiên phong triển khai đầu tư công nghệ thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ khâu sơ chế nông sản, đến hoàn thiện sản phẩm. Hiện, HTX có 2 máy sấy điện và 1 máy sấy lạnh (công suất mỗi máy 1,5 tấn quả tươi/ngày), tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm. HTX đã thuê kỹ sư chuyên về chế biến thực phẩm phụ trách kỹ thuật sản xuất, chế biến 6 sản phẩm chính, gồm: Chuối, xoài, đu đủ, mận, hồng giòn, nước cốt chanh leo.

           

Bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Các sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu an toàn, công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên đã tạo được thương hiệu trên thị trường. Để ổn định nguồn hàng xuất bán ra thị trường, HTX đã vận động 10 thành viên trồng 8 ha cây ăn quả; vào vụ sản xuất chính, mỗi ngày thu mua thêm 2-3 tấn nông sản các loại của các hộ nông dân trên địa bàn. Đặc biệt, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm của HTX Quyết Thanh sau chế biến đã nâng giá trị sản phẩm lên khoảng 200% so với việc bán nguyên liệu thô. Từ việc đưa công nghệ chế biến vào sản xuất sau thu hoạch, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh và huyện Mộc Châu giúp HTX ký kết tiêu thụ được hơn 4 tấn mận tới thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.

           

Hàng năm, toàn tỉnh gieo trồng trên 135.000 ha cây lương thực, sản lượng ước đạt gần 560.000 tấn; trên 11.000 ha rau các loại, sản lượng gần 160.000 tấn; gần 80.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 448.000 tấn và nhiều loại nông sản khác. Tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt khoảng 10%; đối với rau, củ, quả khoảng 10-20%. Để hạn chế tổn thất, một số doanh nghiệp, HTX, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị chế biến hiện đại, đặc biệt là công nghệ sấy, bảo quản, chế biến sản phẩm tươi thành các sản phẩm sấy khô.

           

Hợp tác xã Cao Nguyên, xã Hát Lót (Mai Sơn) đầu tư kho lạnh để bảo quản nông sản.

           

Hiện, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản và gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả quy mô nhỏ của các hộ gia đình, cá nhân, HTX, doanh nghiệp. Mục tiêu của tỉnh ta đến năm 2025, sẽ thu hút đầu tư, hoàn thành và đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp. Nâng cấp mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến hiện có. Hình thành tại các huyện, thành phố ít nhất 1 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản...

           

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Sơn La đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến để gia tăng giá trị nông sản. Tập trung thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển mới, mở rộng các cơ sở chế biến rau, quả quy mô tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP;  thu hút phát triển các cơ sở chế biến tập trung quy mô công nghiệp với những ngành hàng mà tỷ lệ nguyên liệu được đưa vào chế biến còn thấp, như: Sắn, cà phê, nhãn, chanh leo, xoài, chuối và các loại rau củ khác.

           

Giải bài toán áp lực về tiêu thụ sản lượng hoa quả, nông sản lớn khi chính vụ thì việc đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch là giải pháp căn cơ và bền vững nhất. Để giảm tổn thất cho các sản phẩm nông sản sau thu hoạch, ngành Nông nghiệp và các địa phương hướng dẫn người dân tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, sấy, bảo quản các sản phẩm nông sản. Xây dựng các HTX làm cầu nối giữa doanh nghiệp chế biến với các hộ gia đình, vừa là đơn vị tổ chức sản xuất, vừa là nhà thu gom, sơ chế, bảo quản, bao tiêu sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới