Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phân cấp thực hiện Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).
Dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 với chiều dài khoảng 34km; tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng; điểm đầu tại vị trí Km19+000 thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, điểm cuối tại trị trí khoảng Km53+000 thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; giải phóng mặt bằng giai đoạn hoàn thiện quy mô 4 làn xe với tổng diện tích khoảng 354,37ha; thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2028.
Đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tốc độ thiết kế 80 km/giờ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch; chiều rộng nền đường 12m; xây dựng cầu Hòa Sơn với quy mô bảo đảm bố trí 4 làn xe theo giai đoạn hoàn thiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Lễ khởi công xây dựng công trình cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu. (Ảnh: Trần Hải) |
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị của chủ đầu tư và các cơ quan chuyên môn của tỉnh, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân huyện Đà Bắc và Mai Châu, đến nay, theo báo cáo của chủ đầu tư, mọi công tác chuẩn bị để thi công xây dựng công trình đã hoàn tất. Đặc biệt thông qua đấu thầu thi công xây lắp dự án đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 280 tỷ đồng (tương đương 15,4% giá gói thầu).
Thủ tướng Phạm Minh Chính với bà con nhân dân xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. (Ảnh: Trần Hải) |
Về công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình: đoạn từ Km19+000-Km40+750 (từ đầu tuyến đến đầu cầu Hòa Sơn): Chủ đầu tư đã thực hiện các thủ tục về đấu thầu (mời thầu, đóng, mở thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu) và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Đoạn từ Km40+750-Km53+000 (bao gồm cầu Hòa Sơn): dự kiến bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu từ tháng 10/2024 (gồm xây lắp, tư vấn giám sát và bảo hiểm công trình).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự lễ khởi công. (Ảnh: Trần Hải) |
Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng khoảng 8,2km đoạn từ Km24+300-Km32+500 thuộc địa phận xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc; đã thực hiện chi trả bồi thường cho hơn 30 hộ dân. Đối với diện tích còn lại, Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc, Mai Châu đã thực hiện xong công tác kiểm kê, đo đạc và đang tiến hành công khai niêm yết để phê duyệt và chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng.
Hiện tại, Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc, chủ đầu tư và các hộ dân bị ảnh hưởng đoạn từ Km24+300-Km32+500 thuộc địa phận xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây lắp khoảng 8,2km.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu. (Ảnh: Trần Hải) |
Tỉnh Hòa Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép điều chỉnh đoạn tuyến từ Km0-Km19 tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình-Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình-Mộc Châu) bằng nguồn vốn đầu tư công và đầu tư xây dựng cao tốc hoàn thiện 4 làn xe. Tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư giai đoạn hoàn thiện (nâng cấp lên 4 làn xe) cho Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).
Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03 (Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên) theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, hình thành đường giao thông liên vùng: Sơn La, các tỉnh Tây Bắc-Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía bắc, từ đó phát huy khả năng khai thác toàn bộ mạng lưới giao thông liên vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình Nguyễn Phi Long phát biểu ý kiến tại lễ khởi công. (Ảnh: Trần Hải) |
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà cho các đại biểu là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín của huyện Đà Bắc.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc son cho sự phát triển của vùng Tây Bắc, đánh dấu sự lớn mạnh của tỉnh Hòa Bình được giao làm chủ đầu tư dự án lớn này. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình và các địa phương có dự án đi qua, các đồng chí, quý vị khách quý cùng toàn thể quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tặng quà cho các đại biểu là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín của huyện Đà Bắc. (Ảnh: Trần Hải) |
Thủ tướng nêu rõ, 3 nhiệm kỳ vừa qua và cả nhiệm kỳ tới, chúng ta đều xác định 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là đột phá về hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong giai đoạn 2000-2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163km đường bộ cao tốc. Trong khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc (hoàn thành được mục tiêu này thì đến 2025 chúng ta cần đạt được 3.000km và 2026-2030 phấn đấu có thêm 2.000km đường bộ cao tốc).
Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, chúng ta cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm qua. Do đó, phải quyết tâm làm, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phải huy động cả nguồn lực của Nhà nước, địa phương, ngoài xã hội. Cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chung sức, chung lòng để thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên các đơn vị tham gia thi công dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu. (Ảnh: Trần Hải) |
Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn với nhiều hình thức đầu tư và chính sách phù hợp để huy động xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả thiết thực, nổi bật là:
Về hàng không: đã khánh thành cải tạo nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, Phú Bài; mở rộng cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng), Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Nội Bài... đồng thời nghiên cứu mở rộng một loạt các sân bay để tạo thuận lợi đi lại cho nhân dân, phát triển du lịch, văn hoá, kết nối quốc gia.
Đặc biệt, đối với Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến nay đã giải quyết cơ bản tất cả các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thời gian dài, sau 3 năm thi công đã thành hình hài công trình, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025…
Về hạ tầng năng lượng: hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) trong thời gian 6 tháng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức (trong điều kiện bình thường, phải kéo dài ít nhất từ 3 đến 4 năm); hiện hạ tầng năng lượng đang được đầu tư phát triển tích cực cả năng lượng truyền thống lẫn năng lượng mới.
Về hạ tầng giao thông: từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng thêm 858km, nâng tổng chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.021 km; đang tổ chức triển khai thi công khoảng 1.700km, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc; đồng thời, đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công thêm khoảng 1.400km đường bộ cao tốc. Chúng ta hiện nay đang được kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, cho nên dù các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, thách thức nhưng rất tự tin triển khai.
Thủ tướng nêu rõ, các công trình trọng điểm giao thông đang nằm ở 48 tỉnh, thành phố. Liên quan đường sắt, chúng ta đang thực hiện các công việc cải tạo hệ thống đường sắt cũ; đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 10 thống nhất cao triển khai dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, phát triển hệ thống đường sắt kết nối Trung Quốc. Về đường vận tải biển, chúng ta đang mở rộng cảng Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cái Mép-Thị Vải…; hệ thống giao thông thủy đang được quy hoạch, nâng cấp… Điều này đang truyền cảm hứng, tạo động lực phát triển cho các tỉnh Tây Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu. (Ảnh: Trần Hải) |
Đối với vùng Tây Bắc (gồm 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình): Hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng hiện đang rất khó khăn (mới chỉ có 1 tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai), điều kiện đi lại vẫn còn khó khăn, chi phí logistics còn cao. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Do đó, các tỉnh Tây Bắc phải tự lực, tự cường, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương thì phải đi lên bằng sức mạnh nội sinh, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn, cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn. Chính vì vậy, tuyến cao tốc Hoà Bình-Sơn La-Điện Biên cần phải triển khai sớm.
Việc triển khai Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu có 6 ý nghĩa lớn: thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về 3 đột phá chiến lược, trong đó đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Thực hiện chủ trương phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương về đầu tư phát triển hạ tầng với tinh thần như Hội nghị Trung ương 10 đã nêu: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của tỉnh Hòa Bình tham gia xây dựng công trình trọng điểm quốc gia. Góp phần tạo không gian phát triển mới của Hòa Bình cũng như Tây Bắc, kết nối Vùng Đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền trung, qua đó giảm chi phí logistics, giảm giá thành vận tải, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế của các tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu vật nuôi cây trồng chuyển phương thức sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị hàng hóa, đời sống nhân dân; góp phần xây dựng khu vực phòng thủ an ninh quốc phòng tại khu vực chiến lược Tây Bắc, kết hợp an ninh quốc phòng với phát triển kinh tế-xã hội; đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân tại khu vực Tây Bắc, cũng là một cách tri ân cho những người đã hy sinh, đóng góp công sức cho việc giải phóng Tây Bắc. Do đó, Thủ tướng yêu cầu "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn.
Lãnh đạo Tổng công ty Vinaconex - đại diện liên danh nhà thầu phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Trần Hải) |
Thủ tướng cho biết, quá trình chuẩn bị đầu tư Dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành rất rất quan tâm; nhờ đó, trình tự thủ tục đầu tư rút ngắn khoảng 1 năm so với dự án bình thường; phân cấp đầu tư cho địa phương làm cơ quan chủ quản.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần rút kinh nghiệm các công trình trọng điểm vừa qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát, sát sao; cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp phải tích cực vào cuộc, cấp ủy lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể lo giải phóng mặt bằng, bảo đảm ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, không để các nhà thầu, Ban Quản lý dự án “cô đơn trên công trường”; cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”.
Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình tập trung giải phóng mặt bằng xong trước ngày 30/11/2024. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc; tạo sự đồng thuận, đồng lòng để người dân tự nguyện bàn giao đất ở, nơi sản xuất, cùng với chính quyền, đơn vị thi công tham gia thi công các công trình, dự án. Xây dựng phong trào thi đua sôi nổi, kịp thời động viên, khen thưởng, tạo không khí hăng say làm việc, thi đua đạt thành tích, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì sự phát triển của đất nước.
Khi người dân di dời đi, chính quyền phải quan tâm đời sống của người dân ở nơi ở mới; khuyến khích tái định cư tại chỗ; bảo đảm nơi ở mới đầy đủ hạ tầng thiết yếu.
Về công tác cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý, nhà thầu triển khai dự án thuận lợi, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, công khai, minh bạch; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính và các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thi công; bảo đảm cấp đủ mỏ nguyên vật liệu cho thi công dự án.
Các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi ngay các quy định luật pháp để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho thi công. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải rút ngắn tiến độ, hoàn thành công trình trước ngày 31/12/2027, cùng với đó là bảo đảm chất lượng, các yêu cầu kỹ-mỹ-thuật, vệ sinh môi trường; cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay giai đoạn 2 dự án mở rộng từ 2 làn thành 4 làn.
Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát phải quyết tâm cao, thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm” để dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra trên tinh thần “đã cam kết là phải làm, đã làm phải có hiệu quả, phải đi vào cuộc sống, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân”. Chống tham nhũng, tiêu cực; chống việc mua bán thầu trục lợi.
Chủ động, tích cực triển khai, bảo đảm đạt tiêu chuẩn về quản lý tiến độ-chất lượng-mỹ quan; đặc biệt là tiêu chuẩn về đường cao tốc. Các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ Hòa Bình. Các tỉnh Sơn La, Điện Biên xây dựng dự án của đoạn cao tốc còn lại. Thủ tướng kêu gọi nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, hỗ trợ các nhà thầu, chủ đầu tư, chia sẻ khó khăn với đất nước, tiếp tục hoàn thiện tái định cư, vượt qua chính bản thân mình, vươn lên thoát khỏi khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Đài tưởng niệm Căn cứ cách mạng Giằng Sèo. (Ảnh:Trần Hải) |
* Trước giờ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm Căn cứ cách mạng Giằng Sèo ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.
Địa điểm xây dựng Tượng đài chính là nơi cách đây 79 năm đã diễn ra lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh. Ngược dòng lịch sử, tháng 2/1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập chiến khu Hòa-Ninh-Thanh, phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển mạnh mẽ cùng với xây dựng chiến khu. Khóa huấn luyện quân sự đầu tiên của tỉnh được tổ chức tại xóm Giằng, Sèo (thuộc xã Tu Lý cũ) để xây dựng lực lượng, phát triển phong trào cách mạng tại địa bàn. Đồng bào người dân tộc Mường, Tày ở Đà Bắc cũng đã hiểu về cách mạng, ra sức che chở, đùm bọc và bảo vệ lớp học, bảo đảm tổ chức an toàn, bí mật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hoa tại Đài tưởng niệm Căn cứ cách mạng Giằng Sèo. (Ảnh: Trần Hải) |
Sau khi được học về tình hình cách mạng trên thế giới, chương trình và điều lệ Việt Minh, khóa tập huấn về cách đánh du kích, chế tạo vũ khí… 19 học viên đã nhanh chóng trưởng thành, phát triển các đội tự vệ cứu quốc, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Những ngày huấn luyện đã tạo thanh thế Việt Minh càng cao, tiếng tăm lan truyền làm cho các hào lý run sợ, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng, tiếp tục gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã giải phóng đồng bào các dân tộc thoát khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, chế độ lang đạo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!