Ngày 31/8, tại Đà Nẵng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến đạt khoảng 81%. Trong đó, tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình toàn quốc đạt 55,5%; khối bộ đạt 59,68%; khối địa phương đạt 55,38%. Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp khoảng gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện truy cập dịch vụ dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương thông qua “một cửa” duy nhất. Từ cuối năm 2023 đến nay, tập trung thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, kết quả đạt, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023; trong đó khối bộ, ngành đạt 63%, khối địa phương đạt 17,9%. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.
Bước vào giai đoạn 3 - phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu: Năm 2024: Đối với các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương đạt tối thiểu 30%. Năm 2025: Đối với các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương đạt tối thiểu 70%. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: Chuyển đổi số là trọng tâm của cuộc cách mạng 4.0, liên quan đến toàn cầu, toàn diện, toàn dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương quyết liệt vào cuộc, nhất là phát huy vài trò người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Tập trung thực hiện: Một mục tiêu “Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân”; Hai trụ cột “Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp”. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; phân cấp, phân quyền tới các địa phương, nhất là giao cho cấp gần dân. Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; tái sử dụng dữ liệu liên thông cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hình thành hệ sinh thái trên môi trường trực tuyến để người dân, doanh nghiệp sử dụng; đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!