Mặc dù nhà có hơn chục nhân khẩu, nhưng mấy năm gần đây, gia đình bà Quàng Thị Lặn, bản Lạu Khảu, xã Chiềng Cọ (Thành phố) đều có những cái Tết đầy đủ, sung túc hơn những năm trước. Không những thế, gia đình bà Lặn còn vươn lên trở thành hộ sản xuất giỏi có thu nhập cao trong xã, đó là nhờ việc gia đình đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và khai thác hiệu quả quỹ đất để phát triển sản xuất và mạnh dạn mở thêm dịch vụ.
Ở xã Chiềng Cọ, ngoài cây trồng chủ lực là cà phê, thì hằng năm cây mận hậu đã góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Cây mận hậu ở Chiềng Cọ được trồng vào những năm 2005-2006, với thế mạnh là ít bị sâu bệnh và không phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên, công chăm bón và đầu tư ít, đặc biệt là không bị ảnh hưởng do sương muối, sản phẩm dễ tiêu thụ.
Hiện nay, xã Chiềng Cọ có trên 790 ha cây mận, trong đó, 509 ha mận hậu và 282 ha mận tam hoa, được trồng ở 11/11 bản, sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 10.000 tấn. Điểm đáng chú ý là ngoài sản phẩm chính là quả mận hậu, mấy năm gần đây vào dịp trước Tết Nguyên đán, khi các vườn mận hậu nở hoa trắng xóa đã thu hút rất đông khách đến tham quan thưởng ngoạn. Nắm bắt cơ hội này, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc thực hiện bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới, các hộ nông dân đã đầu tư, chăm bón, làm cỏ sạch sẽ vườn mận, mở dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Riêng gia đình bà Quàng Thị Lặn, với 2 ha cây mận hậu, gần chục năm nay đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Bà Lặn chia sẻ: Mấy năm gần đây, quả mận hậu dễ tiêu thụ và giá ổn định, trung bình mỗi năm chỉ phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng/ha tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Ngoài ra, chi phí lớn nhất là tiền thuê nhân công từ 120-130 nghìn đồng/người/ngày thu hái quả từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5, những ngày cao điểm, gia đình phải thuê hơn 30 người mới kịp hái quả cho tư thương vào mua. Vụ mận hậu năm 2017 vừa qua, gia đình thu hơn 40 tấn quả, trừ chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, 4-5 năm trở lại đây, hơn chục hộ trồng mận hậu trong bản vừa có thu nhập kép từ cây mận hậu, ngoài sản phẩm chính là quả mận, hằng năm cứ vào dịp vườn mận ra hoa lại thu hút rất đông khách tham quan, nhất là vào thứ bảy, chủ nhật thu nhập được hơn 2 triệu đồng/ngày, còn ngày thường cũng được gần 1 triệu đồng. Vụ hoa mận trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, gia đình thu được hơn 20 triệu đồng, đủ để sắm một cái Tết chu đáo và còn dư tiền lo cho con cháu học hành. Ngay sau vụ thu hoạch mận hậu năm nay, gia đình sẽ tiếp tục mở thêm dịch vụ ăn uống và gieo rau cải trong vườn mận để khi mận và rau cải ra hoa cùng một thời điểm sẽ thu hút thêm khách du lịch.
Trao đổi với ông Cà Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ được biết: Sau hơn một năm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng nông thôn phục vụ đời sống và sản xuất, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, mở rộng các loại hình dịch vụ để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong xã đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch cộng đồng thu hút nhiều khách trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt trên 28 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 2,5%.
Nhờ năng động, nhạy bén, người nông dân ở Chiềng Cọ đã có bước chuyển đổi cơ cấu và phát triển kinh tế thực sự bền vững, không những làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!