Năm 2016, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra tình trạng mưa lũ, sét, ngập úng, đá lăn, tập trung ở các xã, phường: Chiềng Đen, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, Chiềng Sinh, Hua La, ước tính thiệt hại trên 1,6 tỷ đồng.
Bà con nhân dân xã Chiềng Xôm khơi thông dòng chảy thoát lũ khu vực cầu Bôm Bai.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, ứng phó với những diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng chống thiên tai, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để người dân hiểu rõ các dạng thiên tai, cách phòng chống, ứng phó. Xây dựng phương án, nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế của xã, phường, đơn vị. Chỉ đạo các xã, phường có các hồ thủy lợi, thủy điện tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình trước mùa mưa bão; sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng và kiểm tra, vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ cho xả lũ, đảm bảo vận hành bình thường trong mọi điều kiện. Đối với những hồ không đảm bảo an toàn, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Thành phố đã yêu cầu cắt giảm dung tích hoặc không trữ nước trong mùa mưa. Các tổ thủy lợi và đơn vị quản lý vận hành hồ phối hợp với ban chỉ huy các xã, phường đảm bảo an toàn hồ và vùng hạ lưu, ngăn chặn các hành vi làm ảnh hưởng đến công trình trọng tâm là mương thoát lũ từ Chiềng Sinh đến suối Nậm La.
Hiện nay, đang là thời điểm mùa mưa bão, với tình hình thời tiết bất thường, nguy cơ xảy ra thiên tai rất cao, UBND Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường rà soát, chủ động di rời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tái định cư mới an toàn. Kiểm tra việc triển khai các biện pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, gió lốc, mưa đá, đá lăn, sạt lở, công tác thông tin liên lạc tới các tổ, bản, tiểu khu, nhất là các tổ bản dọc suối Nậm La; bản Ót Nọi, Ót Luông, bản Dầu, bản Muông (xã Chiềng Cọ); bản Lụa, bản San, bản Púa Nhọ, bản Co Phung (xã Hua La); dọc 2 bên mương thoát lũ từ Chiềng Sinh đến suối Nậm La. Tổ chức cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, cấm người và phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập, nơi có dòng nước chảy xiết và các khu vực nguy hiểm, tổ chức bảo vệ an ninh trật tự tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán dân đi và đến. Đồng thời, nhắc nhở nhân dân không chăn thả gia súc ở những nơi nguy hiểm và không ngủ qua đêm trên nương, lán gần suối, sườn núi có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở; các gia đình dự trữ lương thực và các yếu phẩm khác đảm bảo sinh hoạt khi có tình huống bất trắc; tự bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, không đi bắt cá, vớt củi khi có mưa bão; chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm xá và các công trình công cộng khác để tập kết hàng hóa, vật tư thiết bị; chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Tại các điểm xung yếu xảy ra lũ, phải củng cố lực lượng xung kích sẵn sàng tại chỗ, chủ động trong mọi tình huống khi có thiên tai xảy ra như các lực lượng: đội cứu thương, đội cứu vớt người dưới nước, đội bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, đội cứu người trên cạn, đội cứu tài sản.
Đến thời điểm này, UBND Thành phố đã huy động 10 xe tải, 5 xe khách, 5 xe con, 2 xe cứu thương, 5 máy xúc, xe cẩu, 3 máy ủi và các trang thiết bị, bảo hộ phòng chống thiên tai; về lực lượng tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ngoài lực lượng thanh niên, dân quân của các xã, phường, lực lượng xung kích, thường trực của các cơ quan đơn vị trên địa bàn Thành phố, khi vượt quá khả năng ứng cứu của Thành phố thì sẽ huy động thêm lượng trên địa bàn như: Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trường Đại học Tây Bắc, Trường Cao đẳng Sơn La, Cao đẳng Y tế Sơn La từ 1.000 - 1.500 người để ứng cứu.
Từ ngày 5/5/2017 - 31/10/2017, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cơ quan, đơn vị, các xã, phường thực hiện chế độ trực 24/24 giờ/ngày, thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết để kịp thời báo cáo về thường trực phòng chống thiên tai cấp trên theo quy định. Tình hình đột xuất báo cáo bằng điện thoại, fax, địa chỉ nhận báo cáo: Phòng Kinh tế Thành phố, điện thoại: 0212.3852366 - 0212.3853770 - 0913558002.
Với tinh thần chủ động trước mùa mưa bão và thực hiện tốt phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”, Thành phố chắc chắn sẽ chủ động trước các tình huống phức tạp của thời tiết, giảm thiểu hậu quả của thiên tai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!