Những năm qua, Thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ sinh học, thúc đẩy đưa giống cây, con mới và các loại chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên rau, quả; thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt..., góp phần tăng giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường và nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân.
Mô hình vườn ươm giống cây ăn quả tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp 1-5, bản Pùa,
phường Chiềng Sinh (Thành phố).
Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ môi trường bền vững, Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; tuyên truyền tới các doanh nghiệp, HTX, tổ liên hiệp HTX và các hộ sản xuất, kinh doanh các chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước. Từ năm 2014 đến nay, Thành phố đã hỗ trợ 924 hộ ghép cải tạo vườn tạp, thực hiện 2 mô hình trồng cây ăn quả, xây dựng vườn ươm giống cây ăn quả tại bản Pùa, phường Chiềng Sinh theo Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ HTX nông nghiệp xanh 26 - 3 và HTX Thái An (nay là HTX Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Sinh) mua giống cây trồng, xây dựng nhà kính, nhà lưới và làm hệ thống tưới tiết kiệm cho 5,8 ha rau tại phường Chiềng Sinh theo Nghị quyết 57 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021; hỗ trợ gần 21.300 giống cây xoài Thái và nhãn nhãn chín muộn, cho 655 hộ tái định cư và sở tại của 21 bản, 4 khu điểm tái định cư tại xã Chiềng Đen, xã Chiềng Cọ, phường Chiềng Sinh, phường Chiềng An thuộc Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng tái định cư thủy điện Sơn La; hỗ trợ 2 tấn men ủ vi sinh cho các doanh nghiệp, HTX triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ..., với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân và các thành viên HTX về quy trình sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, Thành phố đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp xanh 26 - 3 mở các quầy bày bán, giới thiệu sản phẩm rau quả an toàn tại chợ Trung tâm, chợ 7/11, chợ Rặng Tếch; hỗ trợ các HTX tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm an toàn tại các hội chợ tổ chức trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La; hỗ trợ HTX xây dựng logo, nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Hiện, Thành phố đã ghép cải tạo vườn tạp và chuyển đổi trồng gần 2.000 ha cây ăn quả giống mới năng suất cao; 67,8 ha cây trồng các loại được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng 4 chuỗi cung ứng rau, thịt, cà phê và mật ong an toàn; 23,6 ha cây trồng đã được áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và làm nhà, nhà kính 2,6 ha phục vụ sản xuất và chế biến nông sản... góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, giảm nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất. Tiêu biểu trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như: HTX cà phê Bích Thao thành công trong việc sơ chế, chế biến cà phê theo phương pháp mật ong với giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu sang các nước châu Âu, tăng doanh thu mỗi năm khoảng trên 60 tỷ đồng; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tây Bắc trồng rau thủy cảnh trong nhà lưới quy mô 2.000 m², doanh thu 160-200 triệu đồng/năm... Đặc biệt, với việc chuyển đổi gần 100 ha lúa ở các xã Chiềng Xôm, Chiềng An, Hua La, Chiềng Đen sang trồng hoa công nghệ cao đã đem lại doanh thu đạt khoảng 1,6 tỷ đồng/ha/năm.
Trong chăn nuôi, Thành phố đẩy mạnh thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo bò và mô hình nuôi bò cải tạo, đã hỗ trợ phối thụ tinh nhân tạo cho 1.152 con bò cái nền địa phương; hỗ trợ lắp đặt 97 bể biogas cho các hộ chăn nuôi từ nguồn ngân sách thực hiện chương trình khí sinh học; xây dựng các mô hình khuyến nông về chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học và vận động các hộ chăn nuôi ứng dụng chế phẩm sinh học để ủ phân. Hiện, đã có khoảng 216 hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học; các cơ sở chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; áp dụng công nghệ chuồng kín, có hệ thống điều tiết nhiệt độ; phương pháp cải tạo con giống; phương pháp xử lý chất thải, nước thải trong chăn nuôi... góp phần kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, không chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất, quan tâm giải quyết các vấn đề môi trường trong sản xuất. Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, Thành phố đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2018, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 0,65%, nhưng tổng giá trị sản xuất đạt 1.046 tỷ đồng (giá so sánh), tăng 6,2% so với năm 2017.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!