Quản lý cây xanh đô thị, vườn hoa trên địa bàn thành phố

Quy hoạch cây xanh đô thị là một trong những nội dung quan trọng trong quy hoạch đô thị, góp phần điều hòa nhiệt độ, tạo bóng mát, tăng mỹ quan đô thị và cải thiện môi trường sống. Hằng năm, cùng với việc lập kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh, Thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh. Từ đó điều chỉnh, bổ sung loại cây, mật độ trồng thích hợp, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị với mục tiêu đến năm 2020, đưa Thành phố đạt tiêu chuẩn cây xanh đô thị loại II.

Công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị cắt tỉa cây cảnh trên tuyến đường Khau Cả (Thành phố).

 

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển cây xanh đô thị, hiện nay, hệ thống cây xanh Thành phố đã được chỉnh trang, bổ sung, thay thế tại một số tuyến phố, vườn hoa, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể chung về phát triển cây xanh đô thị của tỉnh. Theo số liệu tổng hợp Phòng Quản lý đô thị Thành phố, hiện nay số lượng cây xanh được quản lý, chăm sóc, cắt tỉa gồm: 56 vườn hoa, 7.576 cây xanh đô thị các loại, trong đó: Diện tích vườn hoa đạt trên 63.000 m2; cây tạo hình gần 1.300 cây (thuộc các vườn hoa, khuôn viên); cây xanh mới trồng 2.520 cây; cây xanh loại 1 là 4.849 cây; cây xanh loại 2 có 134 cây; cây xanh loại 3 có 73 cây. Các loại cây được trồng chủ yếu gồm: lát, hoa sữa, bơ, sấu, bàng, sao đen, nhội, phượng, xà cừ, lộc vừng, trứng cá, hoa ban, trứng gà, bằng lăng, hoàng yến, cau vua... Với mật độ và diện tích cây xanh như hiện nay, Thành phố đang được xếp ở mức độ trung bình khá so với các thành phố đô thị loại 3 trong cả nước khi diện tích cây xanh bình quân mới đạt 0,8 m2/người; diện tích đất trồng cây xanh bình quân 6,73 m2/người; số lượng cây xanh trồng thêm hàng năm khoảng 2.700 cây/năm.

Qua kiểm tra, giám sát cây xanh đô thị của Thành phố cho thấy, việc trồng và chăm sóc cây xanh đô thị được Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị (đơn vị Thành phố ký hợp đồng trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh) thực hiện đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chủng loại, tiêu chuẩn theo quy định. Cây mới trồng được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Cây xanh đô thị được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có các biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Việc trồng, chăm sóc cây xanh đô thị trên các tuyến đường nội thị của Thành phố luôn có sự đồng tình, ủng hộ cao của các cấp, các ngành và nhân dân. Tuy nhiên, một số hộ dân có nhà ở mặt đường muốn có mặt bằng rộng để kinh doanh vẫn đang có những hoạt động “bức tử” đối với các cây xanh được trồng trước cửa nhà như: đẽo vỏ, đổ muối, thuốc trừ sâu... vào gốc cây để cây chết. Bên cạnh đó, một số cây xanh chưa phù hợp với quy hoạch đô thị cũng đang cần được thay thế bằng các loại cây khác đúng chủng loại, phù hợp với điều kiện và hạ tầng đô thị của Thành phố. Nhiều đoạn đường, khoảng cách trồng cây không giống nhau, có nhiều đoạn không có cây xanh hoặc trồng cây không đồng nhất, có cả các loại cây hạn chế trồng trong đô thị đô thị như: nhãn, xoài... do người dân tự trồng. Công tác quản lý cây xanh vẫn còn có những hạn chế, tình trạng người dân hoặc một số đơn vị tự ý tỉa cành, chặt và  trồng cây khác vẫn diễn ra.

Theo quy định, cây xanh trồng trên đường phố phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: cây thẳng, dáng cân đối, không sâu bệnh; cây trồng phải đảm bảo chiều cao từ gốc đến điểm phân cành tối thiểu 2 m và đường kính cây tại dưới điểm phân cành từ 4 cm trở lên đối với cây tiểu mộc và chiều cao cây tối thiểu 3 m và đường kính thân cây từ 5 cm trở lên đối với cây trung mộc và đại mộc. Cây trồng cách trụ điện 2 m, cách miệng hố gas 2 m, cách giao lộ 5 m, cách đầu dải phân cách từ 3 m đến 5 m; cách các họng cứu hỏa trên đường 3 m; cách cột đèn chiếu sáng từ 1 đến 2 m; cách hệ thống biển báo, cột đèn báo tín hiệu giao thông 4 m đến 5 m...

Từ thực tế công tác quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố hiện nay cho thấy, cấp ủy, chính quyền và người dân ngày càng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cây xanh đô thị đối với môi trường sống và mỹ quan của Thành phố. Theo đó, thời gian tới, việc phát triển cây xanh đô thị phải thực hiện theo đúng các quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ. Phát triển cây xanh đô thị phải theo quy hoạch, kế hoạch, cây trồng đảm bảo đúng danh mục cơ cấu cây trồng được tỉnh ban hành, có sự kiểm soát của cơ quan lâm nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân; tổ chức rà soát xác định rõ những tuyến đường đủ điều kiện và đúng quy định để trồng cây hành lang ven các trục đường giao thông; xác định rõ khuôn viên, khu đô thị, xây dựng kế hoạch và lựa chọn loại cây trồng phù hợp theo từng địa bàn; nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình dân dụng và xây dựng các tuyến đường giao thông cần bố trí quy hoạch không gian cây xanh. Cùng với đó, siết chặt quản lý cây xanh trên địa bàn, thực hiện xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp đầu tư quản lý cây xanh; tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ và phát triển không gian xanh ở các khu dân cư. Có như vậy, công tác quản lý cây xanh ở các đô thị mới có thể đi vào nền nếp, tạo môi trường sống tốt hơn cho các khu dân cư, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới