Nông thôn mới Thành phố sống động, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc

Thành phố Sơn La là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, là giao điểm của 3 tuyến đường quan trọng là: quốc lộ 6, quốc lộ 4G và quốc lộ 279D; nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm gồm Mai Sơn - Thành phố - Mường La, thuộc trục đô thị của tiểu vùng Tây Bắc.

 

Một góc nông thôn mới bản Hụm, xã Chiềng Xôm (Thành phố).

Thành phố Sơn La có diện tích tự nhiên 323,51 km², dân số gần 200 nghìn người, 12 dân tộc anh em cùng chung sống; có 12 đơn vị hành chính, gồm 7 phường và 5 xã: Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần và Hua La; các xã chiếm 79% diện tích tự nhiên của Thành phố, nhưng dân số chỉ chiếm 1/3 toàn Thành phố; diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các xã gần 11.000 ha.

 

 

Đồng chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

trao Quyết định công nhận xã Chiềng Ngần đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.      

Năm 2011, theo điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn của Thành phố theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, cả 5/5 xã của Thành phố điều đạt dưới 5 tiêu chí; trong đó, xã Chiềng Xôm, Chiềng Đen đạt 4/19 tiêu chí, 3 xã còn lại chỉ đạt 3/19 tiêu chí; đời sống vật chất của nhân dân còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn Thành phố đạt 21,6 triệu đồng/năm, thì khu vực nông thôn chỉ đạt 13,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo thuộc khu vực này chiếm 3,6%. Tuy tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển sản xuất nông nghiệp là rất lớn, nhưng hầu hết nhân dân chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng các cây ngắn ngày, năng suất, hiệu quả kinh tế kém, vẫn còn tình trạng đói giáp hạt. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, nhất là đường giao thông, nhiều bản xa trung tâm không đến được vào mùa mưa.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã ra Nghị quyết lãnh đạo về thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thành phố đã thành lập BCĐ xây dựng nông thôn mới; HĐND Thành phố cũng ban hành Nghị quyết lãnh đạo, các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng NTM; UBND Thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã, huy động sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, vận động nhân dân tích cực, chủ động trong thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí NTM với phương châm tiêu chí nào dễ hoàn thành trước, không trông chờ, ỷ lại.

Nhờ vậy, chỉ sau 4 năm xây dựng NTM, tháng 10/2015, Chiềng Xôm đã là xã đầu tiên của Thành phố, của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; tiếp đó, từ năm 2016 đến năm 2018, lần lượt các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen,  Hua La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tháng 7/2019, Chiềng Ngần - xã cuối cùng của Thành phố về đích nông thôn mới. Thành phố đã hoàn thành chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trước 1 năm 6 tháng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII đã đề ra và là đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Đoàn viên, thanh niên Thành phố tham gia làm đường giao thông nông thôn

tại bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen.

Qua 8 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố từ lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án, vận dụng các chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn với số tiền trên 1.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước 238 tỷ đồng; vốn huy động từ nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng trên 763 tỷ đồng.

Một trong những tiêu chí được tập trung triển khai là tiêu chí giao thông, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, người dân tự nguyện chặt bỏ hoa màu, hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để bê tông, cứng hóa các tuyến đường giao thông, giúp bà con đi lại thuận tiện, thúc đẩy thông thương hàng hóa. Đến nay, ở 5 xã đã có trên 130 km đường giao thông nông thôn được nâng cấp, làm mới, với tổng kinh phí thực hiện trên 135 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ trên 73 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp bằng vật liệu, ngày công, quy đổi ra tiền ước tính trên 62 tỷ đồng.

 

Mô hình sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Hua La.

Các tiêu chí thủy lợi, điện được chú trọng. Hệ thống thủy lợi đã từng bước đáp ứng yêu cầu cấp nước, tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu là 638/686 ha. Hệ thống điện được cải tạo, đầu tư, đến nay tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn trên địa bàn các xã đạt trên 97%; với sự chung tay của các cơ sở Đoàn đã đầu tư xây dựng 50 công trình “Ánh sáng bản làng”, với trên 40 km đường giao thông được thắp sáng.

 

Cơ sở vật chất Trường Tiểu học - THCS xã Chiềng Cọ được đầu tư xây dựng khang trang.

 

Cùng với đó, các tiêu chí về chợ nông thôn, nhà ở dân cư cũng được đẩy mạnh. Hiện, trên địa bàn 5 xã có 3 chợ nông thôn, 2 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Thành phố đã vận động nhân dân xây dựng, chỉnh trang nhà ở, khuôn viên sạch đẹp đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, đạt tỷ lệ gần 88%. Cùng với đó, nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã luôn được quan tâm; giai đoạn 2012-2019 có trên 450 nhà mới được xây dựng trên địa bàn các xã. Đến nay, trên địa bàn 5 xã không còn nhà tạm.

Tiêu chí tổ chức sản xuất, với gần 11.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, Thành phố đã chỉ đạo thực hiện chủ trương phát triển các loại cây ăn quả trên đất dốc, bà con nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những đồi, vườn cây ăn quả; trong đó, nổi bật là mô hình trồng xen cà phê và các loại cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao như: Xoài Đài Loan, nhãn chín muộn, mận, mơ. Hiện nay, vùng trồng cà phê đạt gần 5.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã; sản xuất nông nghiệp được hướng tới thực hiện theo quy trình VietGAP. Cùng với đó, bà con đã phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, kinh tế tập thể ở khu vực nông thôn đã có bước phát triển mới, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hợp tác, liên doanh liên kết, đến nay, trên địa bàn 5 xã có 12 HTX nông, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại tổng hợp, tổng vốn điều lệ đạt 13,8 tỷ đồng. Cùng với khai thác tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, Thành phố cũng quan tâm phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn các xã; đã hỗ trợ các hộ gia đình phát triển các Nhà nghỉ cộng đồng (Homestay) kèm dịch vụ du lịch cộng đồng, dịch vụ ăn uống ở các xã Chiềng Xôm, Chiềng Cọ, Hua La... bước đầu mang lại hiệu quả.

Có thể nói, sau 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Thành phố từng bước thay đổi khang trang và sạch đẹp, hệ thống cơ sở vật chất, điện, đường, giao thông, nước sạch nông thôn, trường học, thiết chế văn hóa... được đầu tư mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Là đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; xã Chiềng Cọ được tỉnh chọn là 1 trong 3 xã thực hiện thí điểm xây dựng NTM nâng cao. Với sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ giúp đỡ của các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể của tỉnh; sự ủng hộ của các doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia tích cực của nhân dân trên địa bàn, Thành phố sẽ tiếp tục duy trì các tiêu chí đạt được, phấn đấu đến năm 2020 xã Chiềng Cọ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nông thôn mới, không chỉ là con đường mới, những công trình mới, những ngôi nhà khang trang mọc lên, mà hơn hết, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tất cả đã tạo nên bức tranh nông thôn mới sống động, giàu bản sắc văn hóa các dân tộc.

Huy Ngoan
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới