Được mệnh danh là “cánh chim đầu đàn” làng hội họa vùng Tây Bắc, họa sỹ Lò An Quang đã và đang “giữ lửa” cho ngành hội họa của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Ngoài 70 tuổi, nhưng họa sỹ vẫn giữ niềm đam mê trọn vẹn với hội họa. Giữa thành phố tấp nập, ngôi nhà nhỏ của họa sỹ vẫn ngày ngày ươm mầm cho bao thế hệ học trò yêu hội họa.
Vợ chồng họa sỹ Lò An Quang cùng xem lại những tác phẩm hội họa đã sáng tác.
Thời gian in hằn trên gương mặt ông dấu hiệu của tuổi tác, nhưng trong đôi mắt họa sĩ vẫn ánh lên tình yêu, sự say mê, lòng nhiệt huyết với nghề. Đưa chúng tôi tham quan triển lãm thu nhỏ của gia đình, ông nhỏ nhẹ tâm sự: Thuở nhỏ, thấy tôi ham mê vẽ, cha tôi hết lòng ủng hộ, động viên theo học chuyên ngành hội họa. Động lực đó giúp tôi trở thành sinh viên Trường Cao đẳng mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), khi mới 13 tuổi. Học xong hệ cao đẳng, tôi tiếp tục học lên đại học. Thời điểm đó, chiến tranh diễn ra ác liệt, tôi nhập ngũ và sang chiến trường Lào chiến đấu. Năm 1975, xuất ngũ trở về, tôi lại tiếp tục theo học và tốt nghiệp Khoa Sơn mài, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc duy nhất của khóa, đồng thời khẳng định được năng lực với nhiều tác phẩm xuất sắc trong thời gian học tập, họa sỹ Lò An Quang nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác từ các đơn vị ở Hà Nội. Tuy nhiên, ông lại chọn con đường trở về quê hương để thực hiện những ước mơ của mình. Chiêm ngưỡng những bức tranh của ông, dù “ngoại đạo”, nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình yêu sâu sắc với núi rừng, đất nước, con người, văn hóa Tây Bắc của ông. Những bức vẽ mộc mạc, gần gũi, phác họa đồi núi điệp trùng, những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, những cô gái Thái với áo cóm, váy chàm, rồi điệu xòe, dệt khăn piêu, hay những đứa trẻ ngủ say trên lưng mẹ giữa nương rẫy đầy nắng gió... mỗi bức tranh ẩn chứa một câu chuyện sâu sắc. Như tác phẩm “Thiên nhiên với con người” ghi lại sự chống chọi của con người với thiên nhiên; tác phẩm “Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, nói lên tình cảm của đồng bào các dân tộc khi công trình thủy điện Sơn La được khởi công... Ông còn ghi lại sự đổi thay của quê hương và con người Sơn La qua từng năm tháng bằng những góc phác họa nhân văn, chân thực nhất.
Lật giở từng trang ảnh trong tuyển tập những bức họa đã được in thành sách của mình, ông không nhớ mình đã từng vẽ bao nhiêu bức tranh. Nhưng các tác phẩm của ông chắc chắn đã để lại dấu ấn rất riêng cho những ai đã từng chiêm ngưỡng. Nhiều tác phẩm nhận được các giải thưởng lớn tại các triển lãm, các cuộc thi mỹ thuật quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, họa sỹ là người đầu tiên của Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung nhận được giải thưởng của Nhà nước cho những cống hiến về hội họa, với các tác phẩm: Xây trụ cầu Thăng Long (sơn mài 1997); Trăng đầu tháng (sơn dầu 1998); Ngày tháng mười (sơn dầu 2002); Mùa xuân (sơn dầu 1993). Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật 6 tỉnh miền núi phía Bắc, triển lãm mỹ thuật các dân tộc thiểu số...
Phần lớn trong những bức tranh ông vẽ, thường có bóng dáng một người phụ nữ, theo họa sỹ Quang, đó chính là người vợ đã cùng ông trải qua thăng trầm cuộc sống và có chung sự đồng cảm về nghệ thuật. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Mai, từng là sinh viên học cùng tại Trường Cao đẳng mỹ thuật. Năm 1970, hai người kết duyên cũng là lúc bà tốt nghiệp ra trường và được phân công về xưởng phim hoạt hình Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, hiểu được nỗi niềm, tình cảm với quê hương của ông Quang, bà đã từ chối công việc ở xưởng phim và chuyển công tác lên Sơn La. Bỏ qua rào cản, sự cách trở địa lý, bà theo ông lên nơi “rừng thiêng, nước độc” như lời cha mẹ bà ngày ấy từng nói. Thế nhưng, đến giờ, bà khẳng định chưa từng hối tiếc về quyết định của bản thân. Bà Mai từng là giáo viên mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sơn La, là một họa sĩ yêu công việc sáng tác và có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm. Những người con, người cháu lớn lên trong gia đình cũng nối nghiệp cha mẹ.
Trước khi nghỉ hưu, được phân công phụ trách Chi hội mỹ thuật (trực thuộc Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật tỉnh), ông Quang góp phần không nhỏ trong việc gây dựng phong trào, xây dựng đội ngũ sáng tác của tỉnh nhà lớn mạnh. Không chỉ vậy, ông còn “truyền lửa” cho bao thế hệ. Ngôi nhà của vợ chồng họa sỹ Lò An Quang cũng là nơi mà nhiều thế hệ học sinh Sơn La có năng khiếu và niềm đam mê đã tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để thi tuyển vào các trường đại học chuyên nghiệp ngành hội họa. Suốt 40 năm qua, đã có không biết bao thế hệ học trò trưởng thành từ cái nôi ươm mầm tài năng này. Cũng có nhiều người khẳng định được bản thân với những tác phẩm nghệ thuật tham dự các triển lãm, dự thi các cuộc thi mỹ thuật cấp trung ương, như: Họa sỹ Mai Xuân Anh, hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; họa sỹ Trần Thị Thu, giảng viên Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Bắc; họa sỹ Lò An Việt, công tác tại Chi hội mỹ thuật, Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật tỉnh; cũng có người trở thành những nhà thiết kế, kiến trúc sư, công tác tại những ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến mỹ thuật. Nhận thấy nhu cầu học vẽ ngày càng đa dạng, vợ chồng họa sỹ còn mở thêm các lớp học vẽ với các đối tượng khác nhau, trong đó có lớp học vẽ dã ngoại cho trẻ em từ 3 - 14 tuổi có năng khiếu và yêu thích vẽ tranh.
Người họa sỹ luôn tâm niệm “trở về với nguồn cội” ngày ấy đã ươm mầm và tiếp lửa cho biết bao thế hệ học trò yêu hội họa của quê hương. Bởi với ông, quê hương Tây Bắc là mạch nguồn cảm hứng trong suốt cuộc đời theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật.
Lê Hạnh (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!