Nậm Tròn đổi thay từ nhãn ghép

10 năm trước, người ta chỉ biết Nậm Tròn là một bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Ngần (Thành phố), nhưng giờ đây, Nậm Tròn chỉ còn 2 hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo của bản đã có nhiều đổi thay; nhận thức của người dân về cách làm kinh tế cũng chuyển biến tích cực.

Nhiều hộ nông dân bản Nậm Tròn, xã Chiềng Ngần (Thành phố) có thu nhập cao từ trồng nhãn. 

Mùa này về Nậm Tròn, dọc hai bên đường chỗ nào cũng thấy những vườn nhãn sai trĩu quả, nhiều vườn, chủ nhà đang thu hoạch nhãn để bán. Ông Thào A Sùng, Trưởng bản nói với chúng tôi: Nậm Tròn hiện có 20 hộ với 93 nhân khẩu. 5 năm trở lại đây, người dân trong bản bắt đầu chuyển hướng sang trồng, ghép loại nhãn Miền Thiết và nhãn chín muộn (giống nhãn ở tỉnh Hưng Yên) cho năng suất và chất lượng khá cao, trở thành hàng hóa bán rất chạy trên thị trường.

Cái hay là bà con trồng xen kẽ nhãn vào vườn cây cà phê, cây mận. Giống nhãn được bà con chọn là loại năng suất cao, chất lượng tốt đã được một số mô hình trồng nhãn ở huyện Mai Sơn, Sông Mã áp dụmg. Hiệu quả từ thực tiễn, các hộ trong bản đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém năng suất sang trồng nhãn ghép giống mới. Bây giờ, bản có gần 3.000 cây nhãn ghép, 2.000 cây đã cho thu hoạch, sản lượng ước khoảng 25 tấn.

Được trưởng bản giới thiệu, chúng tôi đến gia đình ông Đinh Văn Nguyên - hộ đi đầu trong việc trồng nhãn ghép giống mới. Gia đình ông Nguyên hiện có 153 cây nhãn ghép, chủ yếu là giống nhãn Miền Thiết, nhãn chín muộn. Vụ này, 93 cây cho thu hoạch, dự kiến đạt 4 tấn nhãn quả. Hiện, vườn nhãn của gia đình ông đã có thương lái đến hỏi mua, nhưng ông chưa bán vì nhãn của gia đình ông chủ yếu là nhãn chín muộn.

Cách nhà ông Nguyên vài chục mét là vườn nhãn của gia đình anh Thào A Chớ. Anh Chớ cho biết: Từ năm 2013, cây nhãn giống mới đã được nhiều hộ trồng, ghép. Qua thực tế, loại nhãn Miền Thiết và nhãn chín muộn tỷ lệ ra hoa, đậu quả ổn định; quả to, cùi dày, thơm nên giá trị kinh tế cao. Vì thế, khâu chăm sóc cần chú trọng đến tỉa cành, bón phân sau mỗi vụ thu hoạch. Khi thu hoạch xong cần tỉa, cắt cành; nhãn nở hoa phun thuốc trừ dệt, bọ xít; khi quả bằng đầu đũa tiếp tục phun thuốc chống rụng và bón phân. Năm 2016, gia đình anh tôi đã mua  mắt ghép 60 cây nhãn thóc trước kia. Bây giờ trong số 80 cây nhãn ghép, một số cây đã bắt đầu cho quả.

Tận mắt chứng kiến và được nếm thử sản phẩm của người dân bản Nậm Tròn, chúng tôi thấy, quả nhãn ở đây vỏ mỏng, cùi dày, ngọt. Thế nên, nhãn ở đây thường được các thương lái đến tận vườn thu mua. Tùy loại nhãn (nhãn Miền Thiết và nhãn chín muộn) mà giá cả mua tại vườn giao động từ 11 - 15 nghìn đồng/kg. Có thể thấy, cây nhãn ở Nậm Tròn đã và đang trở thành hàng hóa, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giúp người dân có bước chuyển mạnh mẽ trong lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới