Ký ức của cựu thanh niên xung phong về Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã trải qua 65 năm, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng vẫn in đậm trong tâm trí của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Ký, tổ 10, phường Quyết Tâm (Thành phố). Bước sang tuổi 81, nhưng ông vẫn còn minh mẫn kể cho chúng tôi chi tiết về những mốc thời gian, đóng góp của ông và những người đồng chí, đồng đội trong những ngày tháng lịch sử.

 

Ông Nguyễn Văn Ký (đứng thứ hai từ trái sang) cùng các đồng đội tham quan

nhà trưng bày hiện vật tại Khu tưởng niệm liệt sỹ TNXP hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn).

Sinh năm 1935, tại xã Đằng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An; năm 1953, ông Ký nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị B1, Đại đội 294. Đại đội của ông là 1 trong 7 đại đội của Đội TNXP 34 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đèo Pha Đin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong 56 ngày đêm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia rất nhiều công việc như: Anh nuôi, tiếp phẩm, công tác đặc biệt. Đầu tháng 3/1954, mở màn đợt tổng tấn công của ta, địch ráo riết dùng máy bay bắn phá, thả gián điệp, biệt kích phá hoại quốc lộ 41 (nay là quốc lộ 6) tập trung ác liệt nhất là ngã ba Tuần Giáo, đèo Pha Đin, Ngã 3 Cò Nòi... ông được tăng cường làm Tiểu đội trưởng bảo vệ đèo Pha Đin, đoạn dốc Mèo. Ông bảo, những ngày ấy, trên bầu trời hầu như không lúc nào vắng bóng những loại máy bay tối tân bậc nhất thời bấy giờ như B26, B29..., nhiều loại bom cùng một lúc được trút xuống nơi này. Ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, tất cả những ai qua đây, nếu không nhanh, không cẩn trọng, không tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của TNXP thì rất dễ bị thương vong do bom đạn.

Trong thời gian 56 ngày đêm tham gia Chiến dịch, kỷ niệm mà ông nhớ nhất được ông xúc động kể lại: Đêm rằm tháng 3 năm 1954, tôi được giao nhiệm vụ đi đường mòn trong rừng từ Mường É (Thuận Châu) về hang đá Chiềng Pha nhận 60 vạn đồng tài chính cho đơn vị. 4 giờ sáng, tôi xuống bếp anh nuôi ăn miếng cơm cháy, uống nước gạo rang, mang một bình tông nước lên đường. 12 giờ trưa nhận tiền xong trở về trên đoạn đường HTX Bình Thuận (Thuận Châu), một tốp máy bay từ phía Điện Biên đi xuống, tôi chạy vào hang đá bên trái đường, ba chiếc khu trục bắn xối xả, tôi được các đồng chí bộ đội trong hang kéo vào, nấp sau một hòn đá tảng to, chiếc ba lô tiền bị trúng đạn văng ra xa, may mà ba lô tiền chỉ cháy sém tý vải ở ngoài. Chào anh em bộ đội, tôi tiếp tục lên đường, lúc này hơn 2 giờ chiều, bụng đói meo, đầu gối mỏi, vẫn còn nửa chặng đường nữa, tôi cố gắng nhịn đói để đi tiếp. Đến gần 12 giờ đêm về tới đơn vị, cả đại đội khi đó đã ngủ hết, tôi bàn giao 60 vạn đồng tài chính cho đồng chí đội phó. Bữa cơm giữa đêm đạm bạc chỉ có đĩa rau muống luộc nhưng tôi rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông được cử sang Quảng Tây (Trung Quốc) 10 tháng học lớp lái xe kéo pháo. Tháng 10 năm 1955, ông được phân công về Cục vận tải Quân đội. Tháng 6/1956, ông lên Tây Bắc làm lái xe của Sở Giao thông vận tải, là người đầu tiên kéo rơ móc từ Hà Nội lên Tây Bắc. Tháng 12 năm 1963, ông chuyển công tác sang ngành Công an, đến năm 1988 thì nghỉ hưu với quân hàm thượng tá. Sau đó, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ là Bí thư đảng ủy phường Quyết Tâm, phường Quyết Thắng (Thành phố) trong 16 năm.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần nhắc đến thủa đôi mươi nơi chiến trường lửa đạn, Cựu thanh niên xung phong tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa lại trào dâng bao niềm xúc động. Với ông, những năm tháng nơi chiến trường đã hun đúc cho ông thành người thanh niên sống có lý tưởng cách mạng, giúp ông hiểu và trân trọng hơn ý nghĩa của cuộc sống.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới