Từ ngày 4/11 đến nay, hơn 12.000 hộ dân và nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện trên địa bàn các phường: Chiềng An, Chiềng Lề, Tô Hiệu, Quyết Thắng và xã Chiềng Ngần (Thành phố) bị mất nước sinh hoạt. Nguyên nhân được xác định do ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Bó Cá (Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1). Ban Giám đốc của Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1 cho biết: Chưa biết khi nào mới cấp nước sinh hoạt trở lại cho nhân dân, bởi tình hình ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng, gây khó khăn cho việc xử lý. Trước thực trạng trên, ngày 7/11, Thường trực tỉnh ủy đã triệu tập cuộc họp đưa ra các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn Thành phố.
Ao đất lót bạt chứa nước thải sơ chế cà phê của Cơ sở chế biến nông sản Vương Bá Trung,
bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) bị thẩm thấu nước xuống lòng đất.
Từ năm 2012 đến nay, cứ vào mùa thu hoạch quả cà phê, là nguồn nước ngầm ở hang Tát Tòng, bản Bó, phường Chiềng An dẫn về Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1 lại thường xuyên bị ô nhiễm do hoạt động xả nước thải chế biến quả cà phê ở xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ (Thành phố) và xã Muổi Nọi (Thuận Châu). Tính từ năm 2015, Xí nghiệp đã phải ngừng hoạt động 20 lần với tổng số 151 giờ ngừng cấp nước, năm 2016 là 12 lần với tổng số 86 giờ ngừng cấp nước và năm 2017 là 17 lần với tổng số 124 giờ ngừng cấp nước do bị ô nhiễm từ nước thải chế biến cà phê. Đặc biệt từ ngày 4/11/2017 đến nay, lượng ô nhiễm từ nước thải chế biến cà phê nặng hơn, khiến Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1 phải ngừng hoạt động và chưa biết đến khi nào mới cấp nước bình thường trở lại cho nhân dân. Ông Bùi Văn Đính, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La cho biết: Việc ngăn chặn triệt để các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Bó Cá là ngoài khả năng của Công ty. Hiện nay, Nhà máy nước Bó Cá chưa có công nghệ xử lý nước bị ô nhiễm chất hữu cơ từ nước thải chế biến quả cà phê; phương án dùng nguồn nước dự phòng từ hồ bản Mòng, xã Hua La dẫn về Nhà máy cũng chưa thực hiện được, do chưa có quy hoạch lắp đặt đường ống dẫn nước và Dự án hồ bản Mòng cũng chưa thi công xong. Phương án lấy nước từ suối Nặm La đến nay không thực hiện được do cũng bị ô nhiễm từ nước thải chế biến quả cà phê.
Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, chúng tôi cùng Đoàn công tác của tỉnh tới kiểm tra 3 cơ sở chế biến nông sản lớn ở vùng đầu nguồn nước của Thành phố, có hệ thống chế biến cà phê bằng phương pháp ướt với công suất từ 15-100 tấn quả tươi/ngày, gồm: Cơ sở chế biến nông sản Đỗ Thị Thủy, bản Nà Hôm, xã Chiềng Cọ và Cơ sở chế biến nông sản Quàng Văn Tính, bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen (Thành phố); Cơ sở chế biến nông sản Vương Bá Trung, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu). Theo tìm hiểu được biết, quá trình sơ chế cà phê tiêu tốn từ 1-4 m3 nước/1 tấn quả tươi, như vậy mỗi ngày, 3 cơ sở chế biến nông sản trên sẽ phải xả thải hơn 100 m3 nước. Tuy nhiên qua kiểm tra, tất cả các cơ sở chế biến nông sản đều không có công nghệ xử lý nước thải; việc xử lý nước thải đều chỉ làm sơ sài bằng các ao chứa có diện tích nhỏ khoảng 200 m2/ao, được kè đá ngay giáp suối hoặc đào bằng đất rồi lót bạt chống thấm không đảm bảo, nước thải vẫn thẩm thấu ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm nguồn nước; có cơ sở còn đổ bã cà phê tràn lan trên đồi đang bốc mùi hôi thối. Ông Phạm Quang Ninh, Quản lý công nhân sản xuất Cơ sở chế biến nông sản Vương Bá Trung, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) cho biết: Để đầu tư công nghệ xử lý nước thải từ chế biến cà phê đảm bảo chất lượng, cơ sở sẽ phải chi phí từ 3 đến 5 tỷ đồng, với số tiền lớn như vậy thì tạm thời cơ sở chưa đáp ứng được, vì vậy cơ sở đã đầu tư 7 ao chứa bằng đất có lót bạt trên đồi để chứa nước thải.
Trước thực trạng trên, từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta đã xây dựng Đề án bảo vệ môi trường trong sản xuất, chế biến cà phê, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn xử lý chất thải cà phê cho các cơ sở sản xuất... Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng/lần đối với cơ sở vi phạm; điển hình là ngày 11/9/2017, hộ kinh doanh chế biến nông sản Vương Bá Trung, bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) bị Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) xử phạt 115 triệu đồng do để vỡ ao chứa nước thải ra môi trường. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở ký cam kết bảo vệ môi trường nhiều lần, nhưng tình hình ô nhiễm vẫn diễn ra với tần xuất dày hơn và mức độ nghiêm trọng hơn. Việc xác định rõ được cơ sở hay tổ chức nào gây ô nhiễm nguồn nước hiện nay là hết sức khó khăn, bởi hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường hầu như không còn, mà đa số các cơ sở đã xây bể hoặc đào ao chứa có lót bạt, nhưng nước thải vẫn có thể thẩm thấu xuống tầng nước ngầm và các hang catter dưới lòng đất rất khó phát hiện. Việc yêu cầu ngừng sản xuất hoặc phương án di chuyển các cơ sở chế biến nông sản đi nơi khác cũng được các cơ quan chức năng tính đến, nhưng chưa thực hiện do lo ngại việc tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương sẽ gặp khó khăn.
Như vậy có thể thấy, việc ô nhiễm nguồn nước do sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh không còn là câu chuyện mới. Nhưng để giải quyết dứt điểm tình trạng trên cần có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và sự chung tay của cả cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và sức khỏe con người. Trước tình hình trên, ngày 7/11, đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì cuộc họp đưa ra các giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn Thành phố. Theo đó, các sở, ngành và các địa phương đã đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ và giải pháp trước mắt thành lập tổ công tác đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến cà phê xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; hướng dẫn các cơ sở cách thức xây dựng các bể chứa nước thải có lớp lót đáy đảm bảo không để nước thải thấm vào lòng đất; kiên quyết xử lý đối với hành vi tái phạm làm ô nhiễm môi trường; hướng dẫn cụ thể việc thu gom, xử lý vỏ cà phê còn tồn đọng ngay sau khi chế biến tại các khu vực đầu nguồn nước hang Tát Tòng thuộc xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ (Thành phố) và xã Bon Phặng, Muổi Nọi (Thuận Châu); tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước đầu vào, nước thương phẩm tại các cơ sở sản xuất cung cấp nước sạch sinh hoạt tập trung tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; thành lập tổ công tác giám sát việc đầu tư xây dựng các bể chứa đảm bảo tiêu chuẩn mới cho hoạt động; hướng dẫn, yêu cầu các hộ gia đình sơ chế cà phê nhỏ lẻ phải xây dựng bể chứa nước thải; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến cà phê không thực hiện đúng theo cam kết bảo vệ môi trường.
Về nhiệm vụ và giải pháp lâu dài, đề xuất cho chủ trương nghiên cứu khu chế biến sản xuất cà phê tập trung để thu hút, di chuyển các cơ sở sản xuất, sơ chế cà phê đầu nguồn nước. Đầu tư xây dựng hồ dự trữ nước thô cho Nhà máy nước Bó Cá tại tổ 6, phường Chiềng Lề để dự phòng những trường hợp mất nước; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Dự án hồ chứa nước bản Mòng để đảm bảo nguồn cấp nước lâu dài cho Thành phố; khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân có tiềm lực kinh tế, có công nghệ đảm bảo thu mua, sản xuất, chế biến cà phê theo công nghệ tiên tiến, xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường; tổ chức xây dựng trình phê duyệt hành lang bảo vệ nguồn nước hang Tát Tòng trên cơ sở kết quả Dự án bảo vệ nguồn nước hang Tát Tòng, phường Chiềng An (Thành phố).
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!