Với những người sống lâu năm tại thành phố Sơn La hay bất cứ ai từng ghé qua đây dù chỉ một lần sẽ có ấn tượng về hình ảnh các bà, các chị người Thái “tẳng cẩu” gánh hàng bán rong trên phố. Dường như đó là một nét đặc trưng riêng có của phố núi. Những gánh hàng có khi nặng trĩu vai, có khi lại chỉ lủng lẳng vài mớ rau, nhưng vẫn cứ đều đều mỗi sớm theo chân các chị đi khắp ngả đường.
Phụ nữ dân tộc Thái gánh hàng bán rong trên phố.
Khác với những thành phố lớn ở miền xuôi, những gánh hàng thúng mủng trên quang gánh kĩu kịt bán đủ các thứ đồ ăn vặt, đi rong khắp các con phố. Những gánh hàng rong nơi phố núi giản đơn với chiếc đòn gánh bằng đoạn tre đẽo sạch mấu vác trên vai, hai đầu treo tòng teng các loại rau quả hái từ vườn nhà, đồi núi. Đôi khi là những chùm phong lan vừa lấy từ rừng về, hay ghế mây, ếp khảu, mâm hay cái cót tre nhỏ. Sáng sáng, các chị, các bà rủ nhau đi thành từng tốp 4, 5 người, cũng có khi chỉ một người thong dong gánh hàng đi bộ suốt cả mấy tuyến đường quanh Thành phố.
Tôi vẫn hay mua rau của chị Lèo Thị Thiện, chị thường dừng lại nhiều hơn ở chợ Rặng Tếch mỗi lần đi bán rong. Nhà chị ở bản Mòng, xã Hua La (Thành phố), mỗi sáng, chị cùng mấy chị em trong bản gánh hàng đi bộ từ nhà ra đến chợ Rặng Tếch rồi đi tiếp sang các chợ khác của Thành phố... Chị Thiện kể: 5 giờ sáng, mấy chị em rủ nhau đi bán hàng. Hôm nào bán hết hàng sớm thì đầu giờ chiều về tới nhà, có hôm gánh nhiều hàng thì đi bán từ đầu Thành phố đến cuối Thành phố, mỏi chân thì ngồi nghỉ bên vỉa hè, trưa đói đã có cơm nắm và nước uống mang theo, hết hàng mới về, có hôm về tới nhà cũng đến giờ nấu bữa tối. Hàng hóa thì có rau hái trong vườn nhà, rễ cỏ gianh, bông mã đề hay rau má. Ngày nhiều hàng và bán hết cũng được 400.000 - 500.000 đồng, gọi là thêm thắt chi tiêu sinh hoạt gia đình và lo cho các con học hành.
Những tưởng chỉ có các chị ở quanh Thành phố mới gánh hàng bán rong mỗi ngày. Nhưng không phải vậy, nhiều chị em ở Mai Sơn, Mường La hay Thuận Châu, Quỳnh Nhai cũng thường gánh hàng bán rong ở Thành phố. Ai ở xa thì chở hàng bằng xe máy bán cố định tại các điểm chợ, còn như mấy chị ở Chiềng Mung, Chiềng Bằng (Mai Sơn) thường nhờ người nhà chở đến đầu Thành phố rồi mới gánh hàng đi bán khắp các tuyến đường, chiều bán hết hàng gọi người ra đón về nhà.
Tôi từng hỏi vài chị bán hàng rong, một ngày đi được bao nhiêu cây số? Ai cũng chỉ cười trừ bảo không đếm được, cứ đi từ nhà đến các chợ, từ đầu Thành phố tới cuối Thành phố, chưa bán hết hàng thì quay lại rồi nhằm những con đường lớn mà đi, còn 1-2 mớ rau cũng vẫn đi đến khi nào hết hàng mới về. Đi nhiều thành quen, ấy vậy mà vẫn có hôm về tới nhà chân mỏi nhừ, phồng rộp, thế nhưng hôm sau vẫn lên nương hay ra ruộng, bãi hái rau, đào vài thứ rễ cây cỏ thuốc để có hàng mang bán. Với các chị, những gánh hàng rong giúp bữa cơm gia đình thêm sung túc, các con có thêm quyển vở hay chiếc áo mới. Thế nên sau ruộng đồng, mùa vụ thì gánh hàng rong là công việc quen thuộc của những người phụ nữ Thái cần mẫn, chịu thương, chịu khó.
Mấy năm sống ở Thành phố, những gánh hàng rong giản đơn, bình dị và những người phụ nữ mộc mạc, chân phương giữa nhộn nhịp phố phường đã đi vào trí nhớ tôi rất đỗi quen thuộc. Những ngày mưa gió hay rét buốt, trên con đường vội vã người qua lại, tôi vẫn dáo dác nhìn quanh, tìm kiếm hình ảnh gần gũi ấy như một thói quen. Thỉnh thoảng bắt gặp vài tốp chị em kiên nhẫn gánh hàng bước đi chậm rãi. Với tôi, gánh hàng rong và các chị là một phần của Thành phố, một nét rất riêng, điểm xuyến cho cuộc sống nơi phố núi thêm phần thi vị.
Thảo Nguyên
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!