Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử Cây đa bản Hẹo

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây đa cổ thụ ở bản Hẹo (tổ 2, phường Tô Hiệu, Thành phố) vẫn xanh tốt, như minh chứng cho tinh thần cách mạng mãi trường tồn. Ở nơi này, cấp ủy, chính quyền và người dân Bản Hẹo, cũng như lớp con cháu của cụ Quàng Thị Khiên, người năm xưa từng trực tiếp làm công việc liên lạc cho cán bộ cách mạng của nhà tù Sơn La, vẫn đang một lòng đoàn kết, sát cánh bên nhau xây dựng quê hương.

 

ĐVTN phường Tô Hiệu (Thành phố) thăm Di tích lịch sử Cây đa bản Hẹo.

Được biết, vào đầu thế kỷ XX, bản Hẹo thời đó là khu vực rừng già um tùm, có nhiều cây cổ thụ, trong đó, có cây đa lịch sử này. Hàng ngày, các tù nhân chính trị đều đến khu vực cây đa lây củi, chặt cây rồi chất lên xe đẩy đi qua dốc lên Nhà tù. Nhận thấy cây đa này là địa điểm vừa có thể che mắt kẻ thù, vừa là chỗ an toàn để cất giấu tài liệu nên đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đặt một hòm thư bí mật, để bà Quàng Thị Khiên có nhiệm vụ chuyển những chỉ thị, nghị quyết của Chi bộ Nhà tù đến đồng chí Chu Văn Thịnh - Tổ Thanh niên cứu quốc. Nội dung của những bức thư đó chủ yếu là các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, những bản tổng kết, bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình, những nhiệm vụ cần được thực hiện trước mắt của phong trào đấu tranh tại địa phương Sơn La. Trong đó, có những chỉ thị rất quan trọng trong việc tổ chức cuộc vượt ngục cho những đảng viên ưu tú. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Chi bộ đã tổ chức thành công cuộc vượt ngục vào ngày 3/8/1943. Trong suốt thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các địa điểm liên lạc khác, Cây đa bản Hẹo nơi đặt hòm thư bí mật, nơi gặp gỡ liên lạc giữa các chiến sỹ cộng sản thuộc Chi bộ Nhà tù với lãnh đạo Trung ương đã thực sự giữ vai trò quan trọng góp phần tạo nên một mạng lưới thông tin vững chắc phục vụ cho sự phát triển của cách mạng và góp phần to lớn vào thắng lợi của phong trào đấu tranh giành chính quyền ở Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Phạm Duy Khương, Phó Giám đốc bảo tàng tỉnh, thông tin: Cây đa bản Hẹo này là một di tích lịch sử cách mạng nằm trong quần thể di tích Nhà tù Sơn La, do Bảo tàng Sơn La quản lý. Hằng năm, di tích cũng đón hàng nghìn lượt người đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây đa vẫn sừng sững, uy nghi, tỏa bóng mát và nơi đây đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp họ thêm yêu, thêm tự hào về truyền thống cách mạng của cha anh.

Khi chúng tôi đến thăm di tích, gặp rất nhiều đoàn viên thanh niên tham quan và tổ chức giáo dục truyền thống tại nới đây. Anh Trần Văn Thắng, Bí thư Đoàn phường Chiềng Lề, cho hay: Qua tìm hiểu lịch sử, chúng tôi được biết, nhắc đến cây đa bản Hẹo thì không thể không nhắc tới cụ Quàng Thị Khiên, người con gái Thái của bản Hẹo, khi ấy mới mười tám - đôi mươi, đã sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành mắt xích quan trọng, giúp các chiến sỹ cộng sản ở Chi bộ Nhà tù Sơn La liên lạc với trung ương thông qua hòm thư mật tại gốc Cây đa bản Hẹo. Để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, tích cực tham gia xây dựng Thành phố ngày một giàu đẹp, văn minh, Đoàn phường thường xuyên tổ chức đoàn viên tham quan các di tích lịch sử như: Bia tưởng niệm liệt sỹ Lò Văn Giá, di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; di tích lịch sử cách mạng Cây đa bản Hẹo.

Phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay, nhân dân bản Hẹo vẫn luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Lò Văn Xe, trưởng bản thông tin: Bản bây giờ có tới 178 hộ,  tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 80%. Trong phát triển kinh tế, bà con đã biết khai thác, tận dụng lợi thế của bản, thay đổi nếp nghĩ, cách làm như: ưu tiên phát triển loại hình kinh doanh thương mại - dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt 4 triệu đồng/người/tháng; năm ngoái, 172 hộ của bản đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử Cây đa bản Hẹo, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trùng tu, tôn tạo di tích, xây kè chắn đất, làm đường phục vụ cho khách tham quan; xây dựng biển chỉ dẫn, biển nội dung và nội quy tham quan di tích; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xuất bản các ấn phẩm để quảng bá về di tích lịch sử này. Phối hợp thực hiện các biện pháp, chăm sóc, bảo tồn để cây phát triển tốt; giữ gìn vệ sinh môi trường đảm bảo di tích luôn sạch, đẹp.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới