Bản Ngoại duy trì phát triển giống quýt bản địa

Anh Tòng Minh Văn, Trưởng bản Ngoại, xã Chiềng Cọ (Thành phố) chia sẻ: Cây quýt bản mình đã gắn bó với bao thế hệ người dân trong bản, gốc quýt lâu năm nhất hiện giờ cũng trên 60 năm tuổi. Từ lâu, nhà nào trong bản cũng có vài cây quýt, quả rất thơm, mọng nước và có vị ngọt mát. Mùa quýt chín các bà, các mẹ chọn những quả chín vàng nhất xâu vào lạt tre thành từng dây từ 5-10 quả gánh ra chợ bán...

Mô hình cải tạo vườn quýt của gia đình chị Lò Thị Lả, bản Ngoại, xã Chiềng Cọ (Thành phố).

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình vườn quýt trong bản, anh Văn cho biết thêm: Trước đây, quýt Chiềng Cọ có vị ngon ngọt, mọng nước và có mùi thơm mát, tuy nhiên sau này, do giống bị thoái hóa, bà con chưa biết cách cải tạo, để quýt phát triển tự nhiên nên ít trái, quả chua và khô. Những năm gần đây, xã Chiềng Cọ nói chung và bản Ngoại nói riêng đã tập trung cải tạo vườn quýt, bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Để nâng cao năng suất, chất lượng giống quýt bản địa, xã đã vận động bà con trong bản, khuyến khích đẩy mạnh thâm canh và phát triển vùng sản xuất quýt có chất lượng cao. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông triển khai xây dựng mô hình “Cải tạo vườn quýt” quy mô 2 ha với 11 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cây... Sau một thời gian thực hiện mô hình, với việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, tác động bằng các biện pháp, trong đó có việc bón phân đúng kỹ thuật nên quả quýt nặng trung bình đạt 105g, cao hơn so với vườn cây tự nhiên chỉ đạt 90g, quả chắc hơn, sáng hơn, tép to hơn; số quả trung bình đạt 190 quả/cây, trong khi vườn cây tự nhiên của các hộ không chăm sóc chỉ đạt 130 quả/cây. Nhận thấy việc thực hiện mô hình mang lại hiệu quả cao, người dân trong bản đã tin tưởng thực hiện mô hình. Đến nay, toàn bản có 39 hộ thực hiện mô hình cải tạo vườn quýt với tổng diện tích trên 7 ha. 

Tiên phong trong việc cải tạo giống quýt bản địa là gia đình chị Quàng Thị Lả, cùng chúng tôi đi dạo quanh khu vườn quýt trĩu quả đang độ thu hoạch, chị Lả cho biết: Được cán bộ xã, bản và Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng và phát triển giống quýt bản địa, gia đình tôi đã chiết ghép nhân rộng diện tích trồng quýt bản địa, đến nay, diện tích trồng quýt lên đến 3.000 m², trung bình mỗi vụ thu từ 6 - 7 tấn quýt, thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập khá cao.

Đến thăm mô hình cải tạo vườn quýt của gia đình anh Lò Văn Hung, tự tay hái những trái quýt chín mọng, vàng bóng trên cây mời chúng tôi thưởng thức, anh phấn khởi nói: Năm 1995, gia đình tôi trồng 500 m2 quýt, năm 2010, gia đình tôi đã trồng thêm 2.500 m2. Rồi anh Hung “bật mí” về cách chăm sóc vườn quýt: Mùa mưa cần chú ý phòng trừ sâu bệnh, có thể dùng nước vôi pha tỷ lệ thích hợp để phun trừ sâu bệnh gây hại. Ngoài bón phân, tỉa cành và sử dụng các biện pháp trừ sâu bệnh bằng phương pháp hữu cơ theo hướng dẫn thì cần cải tạo nâng cao độ tơi xốp và màu mỡ cho đất, nên dùng phân hữu cơ. Sau khi thu hoạch, phải tỉa cành để cây mọc mầm mới và hạn chế sâu bệnh. Quả quýt bản địa của chúng tôi có hương vị đặc trưng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng đặt về làm quà hoặc cung cấp cho các chợ, trường học, cơ quan trên địa bàn Thành phố. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 50 triệu đồng từ quýt.

Cây quýt bản địa của bà con bản Ngoại là một trong những loại cây ăn quả có múi có giá trị kinh tế cao, để duy trì và bảo tồn giống quýt bản địa rất cần có những chính sách phù hợp, nhất là về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm quýt bản địa, xây dựng phát triển thành sản phẩm du lịch nông nghiệp để nhiều người biết đến, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân... 

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới