Bản mường vui đón Bác Hồ

“Bác về Tây Bắc hôm nay/Lòng dân toại nguyện bao ngày chờ mong”, xin mở đầu bài viết bằng một câu thơ của đồng chí Đỗ Văn Ân, nguyên Bí thư tỉnh ủy Sơn La, phát biểu cảm tưởng khi tham quan Quảng trường Tây Bắc và Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Sơn La. Đây cũng là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc, thể hiện lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu.

Khu Quảng trường Tây Bắc và Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Sơn La nhìn từ trên cao.

Đồng chí Đỗ Văn Ân xúc động: Nhiều năm công tác tại Sơn La nên tôi hiểu nguyện vọng tha thiết của nhân dân các dân tộc Sơn La mong muốn có Tượng đài Bác Hồ để tưởng niệm trong những dịp lễ trọng, vì nhiều bà con không có điều kiện về Thủ đô Hà Nội. Tôi hoan nghênh tỉnh Sơn La đã có chủ trương đúng, được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho dựng Tượng đài Bác. Là cán bộ đã nghỉ hưu nhưng tôi rất tự hào đã 2 lần được đóng góp ý kiến vào thiết kế biểu tượng, biểu trưng của 6 tỉnh Tây Bắc và Tượng đài Bác Hồ. Đây là công trình đặc biệt, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu nặng của nhân dân các dân tộc khu vực Tây Bắc nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với tình cảm to lớn mà Bác Hồ đã dành cho...

Chia sẻ về sự kiện, ông Lò Văn Thắng (trú tại bản Cá, phường Chiềng An, thành phố Sơn La) - một trong số rất nhiều người đến tham quan, chiêm ngưỡng Tượng đài Bác Hồ, vui mừng: Kể từ ngày 23/4/2019, khi Sơn La tổ chức Lễ đón tượng “Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc” từ thị trấn Lâm, tỉnh Nam Định về an vị tại thành phố Sơn La, ngày nào tôi và nhiều bà con trong xã, trong bản cũng ra Quảng trường để chiêm ngưỡng. Bác Hồ  gần gũi với Sơn La - Tây Bắc lắm!

Ngược dòng lịch sử, nhân dịp 5 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1959), Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Khu tự trị Thái - Mèo, thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La (Khu tự trị thành lập năm 1955; từ năm 1962 đến năm 1975 đổi thành Khu tự trị Tây Bắc). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ phát biểu và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Quân, Dân, Chính, Đảng Khu tự trị Tây Bắc về những thành tích trong kháng chiến và tiến bộ trong hòa bình. Đã 60 năm trôi qua, nhưng hình ảnh thân thương, tình cảm gần gũi ân cần của Người vẫn mãi khắc ghi sâu đậm trong trái tim, khối óc, suy nghĩ, hành động của đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Sơn La. 60 năm qua, các tỉnh Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, phát triển vượt bậc, thu nhiều thành tựu nổi bật, có ý nghĩa quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Tây Bắc vừa góp phần xây dựng hậu phương miền Bắc, vừa chiến đấu, sản xuất, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, góp công vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, các tỉnh vùng Tây Bắc phát huy tiềm năng, thế mạnh, vững bước đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Tây Bắc ngày càng phát triển.

Những địa danh nơi Bác Hồ và đoàn đại biểu đến thăm giờ đây đã trở thành những di tích lịch sử được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng và trở thành nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Kể từ khi Bác Hồ lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc - Sơn La đến nay đã 60 năm, cùng với thời gian, hình ảnh thân thương, tình cảm ân cần của Người mãi mãi khắc ghi, ngày càng sâu đậm trong trái tim, khối óc đồng bào các dân tộc. Đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Trung ương Đảng và Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Sơn La xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La, để ghi dấu sự kiện lịch sử ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc tại Sơn La; công trình hoàn thành là niềm cổ vũ to lớn đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc.

Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”, bằng ngôn ngữ điêu khắc đã diễn tả, khắc họa hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, sự giản dị, chan hòa, gần gũi, tình cảm sâu nặng của Người dành cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc; thể hiện được hình ảnh, khuôn dung của Bác Hồ vào thời điểm lịch sử Bác lên thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Nội dung phù điêu là hình tượng bông hoa Ban cách điệu có 5 cánh, loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Mặt trước thể hiện đặc trưng văn hóa, các công trình lịch sử của 6 tỉnh Tây Bắc. Mặt sau khắc họa một số hoạt động văn hóa, kiến trúc - cảnh quan nổi bật của tỉnh Sơn La. Tượng Bác cao 7,9 m; bệ tượng cao 4,7 m; Phù điêu: chiều cao (chỗ cao nhất): 18 m; chiều dài: 54 m. Chất liệu Tượng Bác bằng đồng; bệ tượng và bức phù điêu bằng đá xanh Thanh Hóa.

Việc xây dựng Tượng đài của Bác tại Sơn La là ước nguyện thiêng liêng của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung, nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng để ghi dấu sự kiện Bác lên thăm đồng bào Tây Bắc 60 năm trước, cũng như thể hiện tình cảm to lớn của Bác dành cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc và những tình cảm sâu đậm mà mỗi người dân Tây Bắc dành cho Bác. Công trình sẽ là địa chỉ đỏ về du lịch cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu, góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố Sơn La.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới