Vừa qua, tỉnh Sơn La vinh dự có ông Nguyễn Công Bắc, tổ 4, phường Chiềng Sinh, Thành phố, là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu trong toàn quốc được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2017 tại chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Ông Nguyễn Công Bắc bên trang trại của gia đình.
Qua giới thiệu, tôi đến thăm 1 trong 3 trang trại của ông tại bản Tiến Sơn, xã Hát Lót (Mai Sơn). Ấn tượng đầu tiên là quy mô của trang trại chăn nuôi lớn, hiện đại với mô hình khép kín. Đón tôi bằng cái bắt tay thân tình, ông Bắc chia sẻ về quá trình làm kinh tế của gia đình với rất nhiều những thăng trầm, ông kể: Trước đây, tôi làm nghề lái xe tải và không may bị tai nạn, phải cắt mất chân phải. Lúc đó tôi rất suy sụp, cuộc sống vô cùng khó khăn, tưởng chừng không thể vực dậy... Bước vào nghề nuôi lợn vô cùng nan giải bởi sức khỏe bản thân và chưa am hiểu về chọn giống, công nghệ, kỹ thuật. Năm 2007, tôi mạnh dạn vay 800 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cộng thêm tiền tích góp, vay mượn, tôi đầu tư 1,4 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc khép kín với diện tích 1.700 m2 theo công nghệ của Thái Lan. Ông Bắc chia sẻ thêm: Ban đầu đến với chăn nuôi lợn vì để phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và phục vụ nhu cầu của nhân dân được tiêu dùng thịt lợn sạch, phục vụ cộng đồng; nhưng khi làm rồi thì yêu nghề mình đã chọn. Năm 2010, tôi mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng thêm trang trại ở Hợp tác xã 6, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) với diện tích 17.000 m2, quy mô 600 lợn nái và 6.000 con lợn thịt.
Hiện nay, ông Bắc duy trì và phát triển 3 trang trại, với tổng diện tích 7 ha. Trang trại mới nhất ở bản Tiến Sơn, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, đưa vào hoạt động từ tháng 8/2017 với hệ thống chăn nuôi khép kín giống thuần chủng Yorkshire, Landrace nhập từ Pháp về, với công nghệ ăn cám tự động của Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, ông còn trồng thêm 200 gốc bưởi da xanh, 100 gốc bơ, 150 gốc xoài và đầu tư xây dựng hồ cá, với mục tiêu điều hòa không khí, bảo vệ môi trường. Trang trại của ông Bắc đang hoạt động với mô hình chăn nuôi khép kín công nghệ 3.0 khi ứng dụng công nghệ vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) và ông đang phấn đấu trong năm 2017, ứng dụng công nghệ số hóa kết nối internet, đưa ra các quyết định nhờ hệ thống thiết bị tự động không cần con người để trang trại đạt tiêu chí mô hình nông nghiệp 4.0.
Từ trang trại nuôi lợn của ông Bắc, lợn giống được xuất cho bà con huyện Mai Sơn; lợn thịt cung cấp cho thị trường thành phố Hà Nội và Trung Quốc. Doanh thu hằng năm đạt 33 tỷ đồng, lợi nhuận thu hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 35-50 lao động địa phương. 6 tháng đầu năm 2017, giá lợn xuống dốc trầm trọng khiến người chăn nuôi điêu đứng, nên lượng lợn giống nhà ông ứ lại, phải để nuôi thịt, bán giá rẻ hơn. Nhưng doanh thu của 3 trang trại đến 30/9/2017 vẫn đạt 25 tỷ đồng và ông kỳ vọng doanh thu cả năm 2017 sẽ đạt trên 40 tỷ đồng. Với những thành công đã đạt được, ông mong muốn trong tương lai, trang trại của ông sẽ tạo ra được nguồn giống lợn thuần chủng phục vụ bà con khu vực Tây Bắc; tạo việc làm cho lao động địa phương và tạo ra nguồn thực phẩm chất lượng tốt phục vụ cộng đồng.
Chia sẻ cảm xúc về Lễ vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới, ông bày tỏ: Về bản thân tôi rất mừng và tự hào khi được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2017. Đến với chương trình, tôi còn được học hỏi, giao lưu với nhiều nông dân Việt Nam rất giỏi, có nhiều những chia sẻ ý nghĩa.
Bằng tất cả ý chí, nghị lực, ông Nguyễn Công Bắc đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được thành công, xứng đáng với danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
Ngọc Huyền (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!