Trải qua các giai đoạn lịch sử, ngành Y tế Sơn La đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân, phấn đấu làm theo lời Bác dạy “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.
Cách đây 73 năm, tháng 2/1949, Ủy ban Liên khu X quyết định thành lập Ty Y tế tỉnh Sơn Lai (Sơn La - Lai Châu), đứng chân tại xã Mường Tè - Mộc Hạ, gồm quyền trưởng ty; 1 y tá được phân công phụ trách bệnh viện tỉnh. Nhân lực của cả Ty chỉ có quyền trưởng ty và 4 y tá giúp việc. Thời gian này, căn cứ kháng chiến gồm có 2-3 xã vùng Mộc Hạ, thường xuyên bị giặc Pháp bao vây, nên cán bộ Ty Y tế và bệnh viện thường di chuyển phục vụ chiến đấu.
Sau chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, ngày 28/1/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Khu Tây Bắc, gồm 4 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai. Lúc này, ngành Y tế hoạt động trong điều kiện y tế cơ sở còn “trắng”, đội ngũ cán bộ không quá 50 người. Đến giữa năm 1953, tại Phù Yên, thành lập bệnh viện với quy mô 10 giường bệnh.
Tháng 9/1954, Ty Y tế chuyển lên tiếp quản nhà thương cũ của Pháp trên đồi Khau Cả. Khi đó, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, các bệnh xã hội như bướu cổ, phong, lao cũng rất nghiêm trọng. Ở các bản, người dân không hiểu nhiều về công tác y tế, chưa tin tưởng sử dụng thuốc tân dược, khi ốm đau thường mời thầy mo về “cúng ma đuổi bệnh”. Trước thực tế đó, ngành Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch; vận động nhân dân ăn chín, uống sôi, uống thuốc phòng bệnh sốt rét, thực hiện “sạch bản - tốt ruộng nương”... Cùng với đó, hệ thống y tế dự phòng từng bước được củng cố và phát triển. Đội Lưu động được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Sau đó, hệ thống các trạm khối y tế dự phòng thuộc Ty y tế Sơn La cũng được thành lập.
Trong kháng chiến chống Mỹ, các cơ sở y tế cũng là trọng điểm bắn phá của máy bay giặc. Vì vậy, cùng với làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, các đơn vị y tế còn củng cố đơn vị tự vệ bảo đảm trực chiến và thành lập các đội cấp cứu chiến thương, sẵn sàng chi viện cho lực lượng vũ trang. Đã có nhiều tấm gương y, bác sỹ cứu sống bệnh nhân trong lửa đạn và cũng có nhiều cán bộ ngành Y tế tham gia quân đội hoặc tham gia phục vụ chiến trường.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từ buổi đầu sơ khai đến nay ngành Y tế Sơn La đã có một mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến các thôn bản đảm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện, toàn ngành có 3 đơn vị quản lý về y tế; 16 đơn vị y tế dự phòng; 19 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; 204 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Với tổng số trên 5.100 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn 2.000 người có trình độ đại học và sau đại học, còn lại là cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.
Các đơn vị y tế trong toàn tỉnh đã và đang đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; gắn cải cách hành chính với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm. Đồng thời, đầu tư một số chuyên khoa sâu tại một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Qua rà soát, tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh nội trú đạt 96,2%; người bệnh ngoại trú đạt 87,9%.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám Sở Y tế, chia sẻ: Hiện nay, nhiều kỹ thuật y học mà trước đây ngành Y tế Sơn La chưa thực hiện được phải chuyển bệnh nhân về tuyến Trung ương, đến nay đã áp dụng thành công. Trong đó có các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới, như: Phác đồ truyền hóa chất nội bàng quang; nạo vét hạch cổ triệt căn trong ung thư đầu mặt; nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng ống mềm có sinh thiết; tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm mỏ; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, cắt sụn chêm; chụp X-quang số hóa, điều trị tiêu sợi huyết… Nhờ vậy, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến trên, giúp người dân được tiếp cận với các tiến bộ y học tại địa phương.
Trong 2 năm (2021 và 2022), toàn ngành có 657 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, nhiều đề tài được áp dụng vào thực tế, góp phần cải tiến quy trình, chất lượng chuyên môn tại các đơn vị y tế.
Bác sỹ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tâm sự: Ngoài làm tròn nhiệm vụ “trị bệnh cứu người”, đội ngũ thầy thuốc trong bệnh viện còn tích cực nghiên cứu khoa học để áp dụng vào quá trình cứu chữa người bệnh. Riêng năm 2022, Bệnh viện có 26 đề tài khoa học cấp cơ sở.
Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai chủ động và tích cực. Giữ vững kết quả loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới; tổ chức tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trên 90% trẻ dưới 1 tuổi; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Những năm vừa qua, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập và lưu hành trên địa bàn tỉnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Mặc dù phải tiếp xúc trực tiếp với những mầm bệnh nguy hiểm, nhưng chúng tôi cũng đều khẩn trương có mặt tại địa bàn xảy ra dịch để điều tra, khoanh vùng, xử lý các ổ dịch; khám sàng lọc, phân loại, điều trị kịp thời.
Đội ngũ những người khoác áo blu trắng trong tỉnh hiện thực hóa bằng việc trau dồi y đức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới, xứng đáng với niềm tin yêu mà nhân dân trong tỉnh đã trao gửi.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!