Tự chủ tài chính góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Năm 2018, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ. Nhằm hiểu rõ hơn tác động của công tác này tới việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Kim An, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Y sỹ, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành một ca phẫu thuật cho bệnh nhân.

PV: Đồng chí cho biết lộ trình triển khai tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp trên địa tỉnh?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Trong năm 2018, toàn tỉnh có 19 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa công lập được giao thực hiện tự chủ về tài chính. Từ ngày 1/7, có 15 đơn vị được giao tự chủ bảo đảm chi thường xuyên; 4 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên (Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Sốp Cộp, Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Tâm thần).

Trước khi giao tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tập huấn Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Tài sản công, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và các nội dung quy định về cơ chế tự chủ đối với đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc ngành Y tế, giúp các đơn vị nắm được những nội dung mới và triển khai thực hiện đúng quy định.

PV: Các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ về tài chính như thế nào và triển khai thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Các đơn vị thực hiện tự chủ các nguồn sau: Nguồn thu sự nghiệp; bảo đảm chi hoạt động thường xuyên. Để tự chủ nguồn thu sự nghiệp, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đa dạng hóa hoạt động sự nghiệp, tổ chức nhiều hình thức khám, chữa bệnh như: Nội trú, ngoại trú; khai thác nguồn thu từ dịch vụ buồng tự nguyện, dịch vụ ăn uống, trông giữ xe... Bên cạnh đó, các bệnh viện tự chủ trong ký hợp đồng, khoán công việc đối với những công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên, nhằm giảm chi lương và tăng nguồn thu sự nghiệp cho đơn vị.

Đối với lĩnh vực tự chủ bảo đảm chi hoạt động thường xuyên, bao gồm: Chi nghiệp vụ chuyên môn: Thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư, nhiên liệu, vệ sinh... quy định tại Thông tư số 37/2015/TTLB-BTC-BYT và Thông tư số 02/2017/TT-BYT, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ mà đơn vị cân đối hoàn toàn trong nguồn thu sự nghiệp. Về chi quỹ tiền lương, đa số các bệnh viện sử dụng nguồn thu sự nghiệp để chi lương, do quỹ tiền lương đã được kết cấu trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh. 4 đơn vị: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp mới bảo đảm được một phần chi thường xuyên do số thu sự nghiệp thấp. Việc chi trả thu nhập tăng thêm và trích lập các quỹ được thực hiện đúng quy định. Trong đó, kinh phí tiết kiệm được chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ viên chức 18,9 tỷ đồng; trích lập các quỹ 21,5 tỷ đồng.

PV: Đánh giá của đồng chí về kết quả của việc thực hiện tự chủ tài chính trong năm 2018?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Có thể nói, các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế và chỉ đạo của tỉnh về tự chủ tài chính. Hiện nay, 15/19 bệnh viện tự bảo đảm 100% chi thường xuyên; 4/19 bệnh viện tự bảo đảm quỹ tiền lương năm 2018; tiết kiệm chi thường xuyên hơn 40 tỷ đồng. Việc giảm hỗ trợ từ ngân sách, nên nguồn kinh phí đó góp phần đầu tư cho các chính sách an sinh xã hội khác trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nguồn thu sự nghiệp tăng lên đồng nghĩa với việc tăng nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh. Quan trọng hơn, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao; nhiều kỹ thuật mới được các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện triển khai thực hiện hiệu quả tại các cơ sở khám, chữa bệnh, như: Tán sỏi thận bằng lazer, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật thay chỏm xương đùi, phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật nội soi ngoại khoa, sản khoa, thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp hiện đại... giúp người bệnh được thụ hưởng các kỹ thuật tiên tiến tại cơ sở, không phải chuyển tuyến trên điều trị. Cùng với đó, thái độ giao tiếp, ứng xử của đội ngũ thầy thuốc được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm, trong đó cải tiến khâu thu tiền và thanh quyết toán khi xuất viện, giảm chờ đợi, của người bệnh. Các bệnh viện duy trì hoạt động của tổ công tác xã hội, cử nhân viên hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân làm các thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, nhập viện, xuất viện...

PV: Xin đồng chí cho biết, năm 2019 và những năm tiếp theo, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo việc tự chủ tài chính ở các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Đ/C Nguyễn Thị Kim An: Ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt quy định của Chính phủ về tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công thuộc ngành y tế theo Nghị định số 16/NĐ-CP, gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đảm bảo thực hiện tốt quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn tại các cơ sở khám, chữa bệnh; hoàn thiện các quy định chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức ngành y tế để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chuyên môn và đủ điều kiện thanh, quyết toán BHYT; thực hiện hiệu quả Đề án xã hội hoá lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh thông thường và khám, chữa bệnh chất lượng cao.

Năm 2019, ngành tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên thực hiện 100% nội dung hoạt động xã hội hóa. Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh còn lại (trừ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần) thực hiện một số hoạt động xã hội hóa..., phấn đấu huy động khoảng 25 tỷ đồng vốn. Đến năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giao tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính đối với các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phù Yên, Đa khoa Thảo nguyên, Đa khoa huyện Mộc Châu, Đa khoa huyện Mai Sơn, Phục hồi chức năng. Thực hiện thêm một bệnh viện ngoài công lập 100 giường bệnh (Bệnh viện Lão khoa). Riêng Bệnh viện Đa khoa Cuộc Sống nâng quy mô lên 200 giường. Tổng vốn huy động khoảng 100 tỷ đồng.

Ngành đã đề ra các giải pháp để thực hiện tốt lộ trình trên; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội hoá y tế trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân; xây dựng các giải pháp quản lý Nhà nước đối với chất lượng dịch vụ y tế, giá dịch vụ y tế; tiếp tục triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh là vệ tinh của 4 bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Tim - Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu là vệ tinh của bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội...

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Luận (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới