Những ngày này trên đất nước chúng ta, ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ ngành nghề nào cũng có thể gọi tên những tấm gương sáng ngời của người tình nguyện trên mặt trận chống đại dịch Covid-19. Nhưng tấm gương sáng nhất có lẽ thuộc về đội ngũ thầy thuốc gồm các y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, giảng viên… và đặc biệt là rất đông các bạn trẻ là sinh viên các trường đại học đang trực tiếp tham gia chăm sóc người bệnh.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến ngày 8/7 “tất cả vì TP Hồ Chí Minh”, dành những gì tốt nhất cho thành phố chống dịch, chỉ trong vòng một tuần từ ngày 8 đến 15/7 đã có gần 4.500 tình nguyện viên khắp nơi trên cả nước chi viện cho thành phố. Tới thời điểm này, số tình nguyện viên đã lên đến hơn 6.000 người và chắc chắn còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Có thật nhiều câu chuyện cảm động về họ. Bác sĩ Nguyễn Ðình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ) tạm chia tay người vợ vừa mới đăng ký kết hôn, lên đường chi viện TP Hồ Chí Minh với lời hẹn “hết dịch anh về sẽ tặng em chiếc áo cô dâu”. Dù hai con còn nhỏ, nhưng vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) vẫn xung phong lên đường chi viện cho thành phố “bằng lương tâm của người thầy thuốc, chúng tôi mong muốn được cùng các đồng nghiệp chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”. Cảm động thay khi đọc dòng tin nhắn giữa vợ chồng bác sĩ trẻ (Bệnh viện Việt Ðức, Hà Nội) “giành nhau” đi TP Hồ Chí Minh chống dịch dù con còn nhỏ, dù họ ý thức được nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 rất cao. Những câu chuyện như vậy rất nhiều và luôn hiện diện đâu đó để mỗi ngày chúng ta sẽ lại được nghe, được kể và khâm phục, ngưỡng mộ.
Ðáng chú ý, trong đợt bùng phát đại dịch lần thứ tư này, có nhiều tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như “bác sĩ 91” Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Bên cạnh đó, đội ngũ tình nguyện viên không chỉ đến từ các bệnh viện trung ương hay các thành phố lớn, mà từ các tỉnh vùng sâu, vùng xa, trang thiết bị khó khăn, nhân lực còn thiếu thốn như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên… vẫn có nhiều người đăng ký lên đường.
Có thể nói, ở đâu có dịch Covid-19 là ở đó có các tình nguyện viên. Họ đã viết nên khúc ca tuyệt đẹp về phẩm giá và tinh thần xả thân quên mình, không sợ nguy hiểm, cứu giúp người bệnh trong cơn bão đại dịch; về ý nghĩa thiết tha của hai tiếng “đồng bào”.
Mở đầu làn sóng thứ tư của đại dịch, miền nam chi viện cho miền bắc, thì bây giờ, khi dịch bùng lên dữ dội ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An…, miền bắc lại chi viện cho miền nam. Những người tình nguyện “Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc/Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền nam” (thơ Tế Hanh) đã để lại sau lưng nhiều hoàn cảnh, nghĩa vụ cá nhân, thanh thản lên đường đến với miền nam, đến với TP Hồ Chí Minh, địa bàn nóng bỏng nhất.
Tinh thần ấy đang hiện diện ở khắp nơi trên đất nước thân yêu của chúng ta, như nhắc nhở mọi người dù là ai, ở đâu hay cương vị nào, hãy cùng đồng lòng hết sức mình chống dịch bằng tinh thần của những người tình nguyện. Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thì ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của người dân lúc này là vô cùng quan trọng. Ðó cũng là cách thiết thực để mỗi người góp phần cùng các tình nguyện viên và các lực lượng chức năng sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!