Theo thống kê, năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh trung bình trên địa bàn toàn tỉnh là 117,1 bé trai/100 bé gái; năm 2018 là 116,8 bé trai/100 bé gái; 9 tháng của năm nay, 117,4 bé trai/100 bé gái, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước (tỷ lệ chênh lệch này khá cao so với các tỉnh khác). Hệ lụy của chênh lệch giới tính ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tác động không tốt đến an sinh xã hội trong tương lai và làm biến đổi các chỉ số nhân khẩu học... Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên là nhiệm vụ không của riêng ngành nào, cấp nào, mà là của toàn xã hội, làm thay đổi quan niệm về giới tính của mỗi người dân.
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe trẻ sơ sinh.
Thực tế cho thấy, tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh đã và đang xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố. Để giảm thiểu tình trạng này, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản, với các giải pháp phù hợp, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện, nhằm làm cho người dân hiểu sâu sắc về hệ lụy của tình trạng dư thừa nam giới, làm thay đổi quan niệm về giới tính. Trong đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND thực hiện Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh” trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn I (2016-2020), mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ số giới tính khi sinh ở mức 109,5 bé trai/100 bé gái, từng bước đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng, tự nhiên.
Là cơ quan chuyên môn, ngành Y tế tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đưa chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ liên quan. Đồng thời, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, nghiêm cấm hành vi lựa chọn và loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ; kiên quyết xử lý các cơ sở y tế thực hiện nạo phá thai liên quan đến phân biệt giới tính và dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi... Tuyên truyền, tư vấn tại 1.203 bản đặc biệt khó khăn với nhiều nhóm đối tượng tham gia, nội dung về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, làm thay đổi quan niệm về giới của người dân, từng bước xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi... Ngành Y tế còn phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Mất cân bằng giới tính khi sinh”; hằng năm, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch truyền thông “Không phân biệt giới tính và không lựa chọn giới tính thai nhi”, “Ngày quốc tế trẻ em gái” và Ngày thế giới “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”...; Hội thi tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh tại 12 trường THPT trong tỉnh.
Các tổ chức đoàn thể: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Nông dân... cũng lồng ghép tuyên truyền nội dung về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh trong các buổi sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm hoặc tư vấn trực tiếp; duy trì các mô hình DS-KHHGĐ. Trong các năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về bình đẳng giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tác động tích cực quan niệm về giới cho tuổi vị thành niên, thông qua các em tác động đến gia đình, người thân. Mặt khác, duy trì hoạt động CLB bạn gái tiêu biểu tại 24 trường THPT thuộc 12 huyện, thành phố, quan tâm tìm hiểu về bình đẳng giới, không bạo lực, phân biệt đối xử...
Để đạt được mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh ở mức 109,5 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ và quyết liệt của toàn xã hội, bởi “Giữ cân bằng giới tính cho thế hệ mai sau là trách nhiệm của chúng ta hôm nay”, góp phần ổn định cơ cấu dân số và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!