Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại

Từ năm 2016-2017, tỉnh ta có nhiều trường hợp chó nghi mắc bệnh dại cắn người trên địa bàn các xã, thị trấn. Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong 2 năm, 2016-2017, đã có 9 người tử vong với các biểu hiện của bệnh dại, mỗi năm có khoảng 5.000 người phải đi điều trị dự phòng do bị chó cắn. Bệnh dại sẽ có nguy cơ lan rộng nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời và đồng bộ.

 

Người dân đến tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Ảnh: Bảo Khánh

 

Nguyên nhân chính là các hộ gia đình nuôi chó thả rông, không rọ mõm khi ra đường cũng như ở nơi công cộng; nhiều địa phương chưa quản lý được đàn chó nuôi theo quy định; việc xử phạt hành chính đối với các hộ gia đình nuôi chó không chấp hành việc tiêm phòng; tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn chưa cao, chưa đảm bảo theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh...

Để khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại, trước hết, các ngành chức năng phối hợp với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thống kê số hộ nuôi chó và số lượng chó nuôi hàng năm. Tỷ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc xin dại tại các xã, phường, thị trấn phải đạt 80% trở lên trên tổng đàn. Mặt khác, các ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền, phổ biến cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật nghi mắc dại, thông tin kịp thời chính xác về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống bệnh dại; những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người; hướng dẫn nhân dân chủ động phát hiện bệnh và báo cho cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế việc lây lan dịch bệnh bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho cộng đồng dân cư. Thực hiện “5 không” trong phòng, chống bệnh dại đó là: Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo không được tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp quản lý đàn chó nuôi nhằm giảm thiểu việc chó cắn người và hỗ trợ cho công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại triệt để trên đàn chó.Yêu cầu các chủ nuôi vật này cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật như: Khai báo, đăng ký nuôi chó, thực hiện xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi theo quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh, khi đưa chó ra đường phải  rọ mõm, dây dắt...Hằng năm, tổ chức chiến dịch tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo vào tháng 3-4; sau đó hàng tháng rà soát, tiêm phòng bổ sung số chó mới sinh, chó mới nhập đàn, chó còn sót lại chưa được tiêm phòng để tạo miễn dịch khép kín và đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định. Thành lập các tổ, đội tiêm phòng và tổ chức đợt tiêm phòng tập trung theo địa bàn từng xã, phường, thị trấn, tổ, tiểu khu, bản; xử lý nghiêm đối với những hộ không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho đàn chó.

Cùng với đó, việc giám sát dịch bệnh dại trên đàn chó cũng rất quan trọng, nhằm phát hiện sớm ca bệnh để có các biện pháp xử lý kịp thời, không để bệnh dại lây lan trên đàn chó và cắn người. Chủ động giám sát (chủ yếu là giám sát lâm sàng) chặt chẽ tình hình bệnh dại động vật từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua mạng lưới thú y, y tế, các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn và cộng đồng dân cư. Khi phát hiện chó nghi mắc bệnh dại, thông báo ngay cho cơ quan thú y, y tế nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại cho người và động vật theo quy định.

Bệnh dại rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh mệnh của con người. Do vậy, cần phải tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các  ngành và cộng đồng dân cư để triển khai các hoạt động tuyên truyền, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh trong phòng chống bệnh dại.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới