Hy vọng mới cho những người mắc bệnh sỏi thận

Những năm gần đây, với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai các phương pháp điều trị mới. Năm 2016, Bệnh viện đã tiếp nhận kỹ thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc áp dụng thành công kỹ thuật mới này đem lại nhiều hy vọng chữa trị đối với các bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận trên địa bàn tỉnh.

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện kỹ thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ.

 

Có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận, như: mổ mở, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da chuẩn thức, tán sỏi ngược dòng bằng laser... trong đó, kỹ thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ được xem là một phương pháp chữa trị ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Phương pháp này được áp dụng trong rất nhiều trường hợp, như: Sỏi trong thận, bể thận, đài thận và sỏi san hô có kích thước từ 1 cm - 2 cm. Ngoài ra, phương pháp này đặc biệt có hiệu quả đối với những bệnh nhân bị sỏi tái phát mà đã mổ cũ 1-2 lần, vì nếu mổ mở lại sẽ rất khó khăn và ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân. 

Để thực hiện phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ, bệnh nhân phải trải qua hai giai đoạn chính trong khoảng thời gian từ 60 - 120 phút. Trước tiên, y, bác sỹ tạo một đường hầm nhỏ trên lưng người bệnh để tiếp cận vào thận, sỏi thận, dùng dụng cụ để nong đường hầm. Sau khi đường nong đủ rộng sẽ đưa ống nội soi thận có kích thước như một chiếc bút được đặt vào đường hầm giúp việc tán và gắp sỏi. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn nhỏ và hút ra. Sau đó, cũng qua đường hầm, đặt một ống thông thận dẫn lưu, ống thông này sẽ được rút ra sau 24 - 48 giờ.

Bác sỹ Nguyễn Văn Trọng, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước đây, Bệnh viện đã triển khai những phương pháp để can thiệp lấy sỏi trong thận nhưng hầu hết các phương pháp này đều gây tổn thương. Nhận thấy phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ mang lại hiệu quả cao trong điều trị sỏi thận, Bệnh viện đã mời các chuyên gia đầu ngành lên hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật thực hiện. Với phương pháp này, giải quyết được triệt để các cái sỏi, vì vậy, bệnh nhân không phải chuyển tuyến. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên đưa kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ vào điều trị cho bệnh nhân, tính đến thời điểm này, Bệnh viện đã thực hiện điều trị sỏi thận bằng kỹ thuật mới thành công cho 13 bệnh nhân.

Ưu điểm của phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ giúp bệnh nhân phẫu thuật nhẹ nhàng, ít đau, thời gian nằm viện ngắn từ 3 đến 4 ngày, nhanh hồi phục sức khỏe và trở lại làm việc từ 7 đến 10 ngày; tránh được sẹo mổ cho bệnh nhân, đồng nghĩa với việc tránh được các biến chứng của vết mổ rộng để vào thận lấy sỏi. Đặc biệt, khắc phục được tình trạng sót sỏi, cho phép kiểm tra toàn bộ cả đài bể thận và niệu quản mà việc mổ thông thường, cũng như tán sỏi ngoài cơ thể không phải lúc nào cũng khống chế được tình trạng sót sỏi. Bên cạnh đó, phương pháp mới sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng nhiễm trùng sau mổ so với phương pháp mổ thường, ít tổn hại đến thận.

Là một trong những bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, anh Quàng Văn Chiến, bản Pảng, xã Chiềng Đen (Thành phố) chia sẻ: Trước đây, tôi bị sỏi thận nên sức khỏe giảm sút, đau lưng, người khó chịu, tiểu đêm nhiều lần, ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt hàng ngày. Sau 3 ngày phẫu thuật bằng phương pháp tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ, tình trạng sức khỏe của tôi đã bình phục trở lại, vết phẫu thuật 7 ngày đã liền, đã tự ngồi dậy, đi lại bình thường.

Việc triển khai ứng dụng kỹ thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ đã giúp cho đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào quá trình điều trị, góp phần hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho bệnh nhân, giảm được chi phí và thời gian đi lại đối với bệnh nhân trên địa bàn tỉnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới