Giải pháp đẩy nhanh tiến độ các xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế

Là tuyến y tế cơ sở, trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn, song, trong thực hiện nhiệm vụ, mạng lưới cơ sở y tế này còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn của nhân viên y tế hạn chế... Vì vậy, đến nay, toàn tỉnh mới có 83 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân từ cơ sở.

Trạm Y tế xã Lóng Phiêng (Yên Châu) được đầu tư xây dựng khang trang

Hiện nay, 204/204 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trạm y tế, với 1.268 cán bộ, nhân viên, trong đó 157 trạm y tế có bác sỹ. Theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh, các trạm y tế đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong đó, kịp thời xử trí ban đầu các trường hợp bệnh nhân đến khám tại trạm y tế; xử trí đúng các tai biến sản khoa và các triệu chứng bất thường khác của sản phụ mang thai; chuyển tuyến trên kịp thời những ca bệnh ngoài khả năng chuyên môn của trạm y tế. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm tại địa phương; giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh kịp thời; tích cực triển khai các hoạt động xử lý dịch, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn xã; thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao về y tế dự phòng... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp trang thiết bị y tế (toàn tỉnh hiện còn 86 trạm y tế chưa được đầu tư xây dựng). Ở các trạm y tế, trang thiết bị y tế hầu hết chỉ là những thiết bị thiết yếu, chưa được trang bị đầy đủ theo Danh mục thiết bị được ban hành theo Quyết định 4667/QĐ-BYT của Bộ Y tế cho các trạm y tế. Bên cạnh đó, đường giao thông liên xã, liên bản, nhất là ở các bản vùng cao còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc triển khai các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia ở cơ sở. Cùng với đó, các tiêu chí: Không sinh con thứ ba, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%... nếu không có sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành cũng sẽ khó hoàn thành...

Để góp phần giúp các xã sớm đạt chuẩn Quốc gia về y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên, ngành Y tế tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp về công tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa bàn. Trong đó, triển khai rà soát trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ở các trạm y tế để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường công tác đào tạo từ nguồn lực tại chỗ, chú trọng đào tạo bác sỹ theo địa chỉ đối với con em đồng bào vùng sâu, vùng xa; thực hiện đầy đủ chính sách đãi ngộ để động viên cán bộ y tế xã tự học tập và tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn, nâng cao trình độ chuyên môn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chế độ luân phiên có thời hạn đối với đội ngũ thầy thuốc, nhằm tăng cường nhân lực cho các trạm y tế thiếu cán bộ, quan tâm bố trí bác sỹ luân phiên về hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế các xã, nhất là trạm y tế các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và biên giới, thông qua đó hỗ trợ chuyên môn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, triển khai một số kỹ thuật mới như: Kỹ thuật siêu âm, điện tim, điện châm hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy... Qua đó, không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế của trạm mà còn giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tuyến trên có nhiệm vụ nhận cán bộ y tế tuyến dưới luân phiên học tập tại đơn vị, giúp đội ngũ này tiếp cận một số kiến thức, kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ở cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh... Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo việc khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của các trạm y tế; tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa các trạm y tế. Thực hiện bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị đúng quy định, sửa chữa, bổ sung kịp thời các trang thiết bị đã hư hỏng. Đồng thời, tham mưu với UBND các huyện, Thành phố đầu tư xây dựng, nâng cấp và tu sửa trạm y tế bằng nguồn ngân sách của địa phương; vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng trạm y tế theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”...

Hành trình để 121 xã còn lại  trong tỉnh đạt chuẩn Quốc gia về y tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài các giải pháp nêu trên, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, tạo điều kiện về mọi mặt để các xã sớm đạt chuẩn Quốc gia về y tế, góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe cho người dân từ cơ sở, giảm áp lực quá tải cho y tế tuyến trên.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới