Trong câu chuyện về công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh, anh Trần Đình Thuận, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh, cho rằng: Để đưa tỷ số giới tính sinh về mức cân bằng, tự nhiên, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng nhiều hoạt động thiết thực để làm thay đổi quan niệm về giới tính của mỗi người dân.
Một buổi ngoại khóa về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Đặt chén nước chè xuống bàn, anh thông tin thêm: Cuối năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ta là 117 bé trai/100 bé gái, cao hơn nhiều so với tỷ số bình quân chung của toàn quốc (103 bé trai/100 bé gái). Điều đáng bàn là, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các huyện, thành phố, đồng nghĩa với quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, phải có con trai nối dõi không còn là chuyện của đồng bào vùng sâu, vùng xa, mà người dân ở các thị trấn, thị tứ hay Thành phố vẫn nặng nề tư tưởng này. Hiện nay, dịch vụ siêu âm khá nhiều, khi biết thai nhi là gái, nhiều phụ nữ đã phá thai. Ở một số vùng nông thôn, do ít tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm dẫn đến tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều. Thậm chí, còn có công chức Nhà nước, đảng viên cũng cố tình đẻ thêm để có con trai nối dõi hoặc thừa kế tài sản...
Mất cân bằng giới tính khi sinh không mới; hệ lụy của nó cũng đã được truyền thông rộng rãi. Trong đó, phải kể đến cuộc thi viết tìm hiểu về “Mất cân bằng giới tính khi sinh” tổ chức năm 2016 đã nhận được 28 nghìn bài dự thi. Hằng năm, các hoạt động hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Không phân biệt giới tính và không lựa chọn giới tính thai nhi”, “Ngày quốc tế trẻ em gái”, “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”... cũng góp phần nâng cao nhận thức về giới tính cho người dân. Riêng các tổ chức đoàn thể: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Nông dân... thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh trong các buổi sinh hoạt, trong hoạt động văn hóa, văn nghệ; nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm hoặc tư vấn trực tiếp. Đặc biệt, sinh hoạt ngoại khóa về bình đẳng giới và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được tổ chức hằng năm tại các trường THPT và 3 trường chuyên nghiệp đã tác động tích cực quan niệm về giới tính cho tuổi vị thành niên, thanh niên. Thông qua các em, tác động đến gia đình, người thân, làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi...
Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho hay, thực hiện Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2021” của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 04 ngày 15/3/2016 của Bộ Y tế về tăng cường các giải pháp giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành Y tế tỉnh ta đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản đưa chỉ tiêu thực hiện tỷ số giới tính khi sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông thông qua các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh; các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi... Cùng với đó, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn và loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ; kiên quyết xử lý các cơ sở y tế thực hiện nạo phá thai liên quan đến phân biệt giới tính và dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, các cơ sở in, bán ấn phẩm về lựa chọn giới tính thai nhi...
Chia sẻ với chúng tôi về các hoạt động nhằm đưa tỷ số giới tính sinh trên địa bàn huyện về mức cân bằng, tự nhiên, anh Đào Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Mộc Châu nói: Năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn Mộc Châu là 112,5 bé trai /100 bé gái. Để đưa tỷ số này về mức cân bằng, tự nhiên, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền để người dân có quan niệm đúng đắn về giới; ngành chuyên môn cùng với các trường học thành lập “Câu lạc bộ bạn gái tiêu biểu”, với các nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp với lứa tuổi vị thành niên, thanh niên về bình đẳng giới, không bạo lực, không phân biệt đối xử, các em có nhận thức về bình đẳng giới ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thêm nữa, mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái cũng là một trong những hoạt động nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, là điều kiện tốt để thực hiện bình đẳng giới.
“Vì nòi giống Việt, không lựa chọn giới tính thai nhi”; “Giữ cân bằng giới tính cho thế hệ mai sau là trách nhiệm của chúng ta hôm nay” - Trách nhiệm này không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người, để xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!