Dịch Covid-19 kéo từ năm 2020 sang 2021 nhất là xuất hiện biến thể mới đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của người dân. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành liên quan cũng như toàn thể người dân, trong đó nhiều biện pháp chuyên môn chống dịch chưa có tiền lệ được triển khai đã đem lại những kết quả quan trọng. Cả nước bước vào giai đoạn vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Hiện, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã ghi nhận người mắc Covid-19.
Những con số
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4) với biến thể Delta có đặc tính làm lây lan nhanh, mạnh, kéo dài đã làm cho số ca lây nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo. Nếu như cả năm 2020 cả nước chỉ ghi nhận chưa đến 1.500 ca nhiễm Covid-19 thì đến những ngày cuối cùng của năm 2021, số người nhiễm trong cả nước đã vượt con số 1,694 triệu ca, trong đó có 31.877 trường hợp tử vong. Những con số chưa bao giờ nghĩ đến khi Việt Nam có một năm chống dịch thành công, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam hiện có số người nhiễm Covid-19 đứng thứ 31 trong tổng số 224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu dân có 17.182 ca nhiễm). Trong bảy ngày qua, trung bình mỗi ngày cả nước có 15.202 ca nhiễm mới và có 232 người chết liên quan đến Covid-19...
Dịch diễn biến nhanh, phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề, khiến 23 địa phương phải thực hiện giãn cách và áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt để thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trong đợt dịch thứ tư này, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ được áp dụng để ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến thể Delta, từ giám sát, truy vết phát hiện sớm, cách ly ngăn ngừa đến điều trị. Các địa phương đã từng bước tăng cường năng lực xét nghiệm; chủ động tầm soát lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao. Các biện pháp tổ chức cách ly được điều chỉnh, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly của từng địa bàn.
Trong điều trị, nhiều biện pháp được kết hợp đồng bộ đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Bên cạnh các bệnh viện dã chiến do các địa phương tổ chức, Bộ Y tế đã thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực (do các bệnh viện trung ương phụ trách) tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long; hướng dẫn phân tầng điều trị (mô hình tháp ba tầng); trang bị hệ thống oxy y tế, huy động sự tham gia của y tế tư nhân... Khi số mắc Covid-19 tăng cao tại cộng đồng, các trạm y tế lưu động được thành lập ngay tại xã, phường, thị trấn, đây là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân sớm tiếp cận y tế, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Huy động, điều phối các lực lượng hỗ trợ từ các địa phương cũng là “chưa có tiền lệ” khi có khoảng 25 nghìn lượt cán bộ y tế, 39 đơn vị y tế được điều động từ các tỉnh phía bắc vào hỗ trợ các tỉnh phía nam chống dịch... Những ngày gần đây, khi số ca mắc, nhập viện tăng trở lại, Bộ Y tế điều động 14 bệnh viện đầu ngành đưa nhân lực vào hỗ trợ các tỉnh phía nam nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong.
Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia tăng rất nhanh tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Chiến lược vắc-xin được triển khai hiệu quả, từ ngoại giao vắc-xin, mua, nhập khẩu... đến tổ chức chiến dịch tiêm chủng trên quy mô cả nước. Mặc dù xuất phát điểm có chậm, nhưng với việc huy động tổng lực các lực lượng, chiến dịch được triển khai rất nhanh và hiệu quả. Tính đến cuối tháng 12, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 146 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 và trở thành một trong 63 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã bao phủ hai mũi vắc-xin cho 70% số dân. Việt Nam đứng ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia, vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu này. Nhưng tính về số liều vắc-xin đã được tiêm thì Việt Nam lại xếp thứ tám trên thế giới. Đáng chú ý, đầu quý II năm 2021, nhiều tổ chức quốc tế dự báo phải đến tháng 4/2022 Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu bao phủ vắc-xin cho người dân. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam đã về đích sớm trước bốn tháng so với dự báo đó.
Ba bài học
Ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời cũng như sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Xuyên suốt một năm qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương với tinh thần vừa kế thừa, vừa đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, phương châm chống dịch được đúc kết là “5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân”. Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, công tác chống dịch được tiếp cận theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở... Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, các lực lượng cơ sở, công tác phòng, chống dịch đã hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thực tế công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có một số kết quả, bài học bước đầu. Thứ nhất, đó là sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, Nhà nước; huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia công tác phòng, chống dịch; đã phát huy được thế mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, huy động mọi tầng lớp nhân dân; cả nước đồng lòng chống dịch với ưu tiên đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Thứ hai, nhiều kinh nghiệm quý báu với các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà; xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động, trung tâm hồi sức tích cực. Chiến lược phòng, chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch. Thứ ba, huy động số lượng lớn các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Trong đại dịch, chúng ta đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau vượt qua khó khăn.
Ngày 28/12, Bộ Y tế có thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Ca nhiễm biến thể Omicron là một hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh về Việt Nam tối 19/12, đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Kết quả giải trình tự gien của bệnh viện này cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron (B.1.1.529). Hy vọng những bài học nêu trên tiếp tục được phát huy để ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19, nhất là biến thể mới Omicron.
Bài toán thích ứng linh hoạt
Nhờ sự nỗ lực của các lực lượng, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, từ đầu tháng 10/2021 cả nước chuyển sang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP cho thấy đây là chủ trương hoàn toàn hợp lý, khi nền kinh tế từng bước phục hồi, xuất khẩu, thu hút đầu tư tăng; công tác an sinh xã hội được tăng cường... Nghị quyết đã tạo được khung pháp lý giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp các cấp độ dịch trên địa bàn. Các địa phương từng bước mở cửa cho các hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất bảo đảm đời sống dân sinh, phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Nhưng khi chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì không thể không có ca nhiễm Covid-19. Do vậy, phải có những giải pháp kiểm soát và quản lý rủi ro, nhất là quản lý nguy cơ có thể tăng nặng bệnh và gây ra tử vong ở những nhóm có nguy cơ cao, song song với đó là tiếp tục tăng độ phủ vắc-xin. Nâng cao chất lượng điều trị với tiêu chí giảm tỷ lệ tử vong là mục tiêu không riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đang hướng đến.
Cơn bão dịch Covid-19 cuốn qua đã làm bộc lộ những hạn chế, yếu kém của nhiều lĩnh vực. Với ngành y tế, năng lực điều trị của tuyến dưới, y tế cơ sở và y tế dự phòng nhiều nơi đã không đáp ứng được khi dịch bùng phát. Điều đó đòi hỏi trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế cần tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở...
Mặc dù dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng số ca mắc và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Đã mười ngày nay, Hà Nội luôn ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước. Tại nhiều địa phương, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, số ca mắc trong ngày vẫn ở mức cao... Trong khi đó, dịch đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào; thời tiết chuyển mùa đông xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của vi-rút, lại có sự gia tăng giao thương đi lại dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2022... Điều đó đòi hỏi sớm có chiến lược tổng thể trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp, sát thực tế để triển khai trên quy mô toàn quốc. Mỗi địa phương, cần sự quyết liệt hơn trong kéo giảm số ca mắc và chết do Covid-19. Và mỗi người dân, dù đã tiêm đủ hai mũi, thậm chí ba mũi vắc-xin cũng vẫn cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là thông điệp 5K.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!