Những năm qua, mạng lưới phòng chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh ta thường xuyên được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến các xã, bản. Các hoạt động phòng chống lao đã được các tổ chức đoàn thể tích cực vào cuộc và triển khai ở tất cả các tuyến y tế, góp phần nâng cao hiểu biết về bệnh lao cho nhân dân. Qua đó phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh lao để điều trị kịp thời, phấn đấu thanh toán bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh vào năm 2030.
Bác sỹ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Sơn La thăm khám cho bệnh nhân.
Những người mắc bệnh lao đa số là người nghèo, lao động chính trong gia đình, mặc dù thuốc chống lao được cấp miễn phí, nhưng vẫn khó khăn trong công tác điều trị bệnh, vì thời gian chữa trị kéo dài từ 6-12 tháng. Theo tính toán của các nhà chuyên môn: Một người mắc bệnh lao có ho khạc vi khuẩn nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không triệt để, trong cuộc đời sẽ truyền bệnh cho 10-15 người khác. Xác định rõ những khó khăn trên, ngành Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống lao tỉnh thực hiện chiến lược phòng chống lao tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong đó, duy trì hoạt động hiệu quả của mạng lưới chống lao các tuyến trong tỉnh, với 16 tổ chống lao, gồm 48 cán bộ kiêm nhiệm chương trình chống lao tại các trung tâm y tế huyện, Thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Thảo nguyên Mộc Châu, Trại giam Yên Hạ (Phù Yên), Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh. Đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm này thực hiện nhiệm vụ triển khai các hoạt động chương trình chống lao tại cơ sở. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức cho cộng đồng về bệnh lao và công tác phòng chống lao; giảm mặc cảm, kỳ thị đối với bệnh nhân lao; tăng cường phát hiện bệnh lao, đặc biệt là lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV... Trong hoạt động, các đơn vị y tế trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (đơn vị thường trực về công tác phòng chống lao) triển khai thực hiện quy trình kỹ thuật chuyên môn trong khám, phát hiện, quản lý điều trị lao. Thường xuyên theo dõi, cập nhập những kỹ thuật tiên tiến về khám, phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao để áp dụng vào thực tế phù hợp với điều kiện ở địa phương. Cùng với đó, quan tâm công tác đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc đảm nhiệm công tác phòng chống lao của tỉnh, giải quyết tốt các ca bệnh khó, bệnh nặng, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên...
Là cơ quan thường trực về công tác phòng chống lao, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh đã triển khai thực hiện tốt việc phối hợp chương trình chống lao và chương trình HIV về quy trình chẩn đoán, điều trị; triển khai điều trị dự phòng bằng thuốc Rimifone cho bệnh nhân HIV được chẩn đoán không mắc lao. Đồng thời, phối hợp với các tuyến quan tâm phát hiện bệnh nhân để triển khai điều trị sớm. Tính trung bình 1 năm, toàn tỉnh phát hiện khoảng 430-450 trường hợp mắc bệnh lao, trong đó 170-180 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học, trong đó số bệnh nhân điều trị khỏi lao phổi AFB (+) mới đã đạt 90,6%. Cùng với đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tại tuyến huyện, tuyến xã. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, phần lớn các đơn vị đã triển khai thực hiện tốt công tác khám, phát hiện bệnh nhân lao tại cơ sở, cũng như thực hiện tốt công tác quản lý điều trị có kiểm soát trong giai đoạn điều trị.
Công tác phòng chống bệnh lao không phải là nhiệm vụ của riêng ngành nào, cấp nào, mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao, giúp người bệnh được tiếp cận, sử dụng tốt nhất dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao... Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay: “Lãnh đạo cam kết hành động vì một Sơn La không còn bệnh lao” và tạo sự “Đổi mới tư duy của mỗi người để kiểm soát bệnh lao tốt hơn, góp phần thực hiện thành công thanh toán bệnh lao trên địa bàn tỉnh Sơn La vào năm 2030”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!